“Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công
việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Học tập
lý luận chính trị là nghĩa vụ đối với mọi cán bộ, đảng viên, tuy nhiên, vẫn có
hiện tượng một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học lý luận chính trị. Vì
thế, nhận diện rõ biểu hiện này và có những giải pháp khắc phục kịp thời là yêu
cầu cấp thiết hiện nay.
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân thế giới đã chứng
minh rằng, bất kỳ chính đảng nào muốn lãnh đạo phong trào cách mạng thành công
đều phải có một lý luận cách mạng soi đường. Nói cách khác, một chính đảng mạnh
bao giờ cũng phải có chủ nghĩa “làm cốt” và nền tảng lý luận khoa học dẫn
đường. Nếu không, chính đảng ấy sẽ mất phương hướng, “lúng túng như nhắm mắt mà
đi” và tất yếu, cách mạng sẽ khó thành công, thậm chí thất bại. Lý luận cách mạng là điều kiện tiên quyết để hình thành và
thúc đẩy phong trào cách mạng. Khẳng định điều này, V.I. Lê-nin cho rằng:
“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một
đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến
sĩ tiền phong”. V.I. Lê-nin còn chỉ rõ sự cần thiết phải học tập lý luận chính
trị: “Xem kinh nghiệm của các đảng anh em, thì chúng ta càng thấy sự bức thiết,
sự quan trọng của việc tổ chức học tập lý luận cho Đảng, trước hết là cho các
cán bộ cốt cán của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Đảng ta còn có
nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp
kém... vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày
càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không
tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”. Người còn chỉ rõ: “Vì kém lý luận, cho nên
gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo.
Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế
ấy. Kết quả thường thất bại”. Do đó, “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho
cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi
của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm
tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của
mình”.
Như vậy, có thể khẳng định, việc học tập lý luận chính trị có
vai trò rất quan trọng; là công việc cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên
phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài. Lý luận chính trị là hệ thống
tri thức về lĩnh vực chính trị; mang tính đảng, tính giai cấp, đồng thời có
tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Lý luận chính
trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc
biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ
chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,... phù hợp với quy luật khách
quan. Không có lý luận chính trị thì tinh thần và ý chí kém cương quyết, không
nhìn xa trông rộng, dễ lạc phương hướng và “mù chính trị”, thậm chí xa rời cách
mạng. Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán
bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng hiệu quả những tri thức lý
luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, mà còn là cẩm nang để giúp
mỗi cán bộ, đảng viên thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và
trọng dân, xứng đáng là người lãnh đạo gương mẫu, người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân.
Học tập lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đây là yêu cầu thường xuyên, hằng
ngày, cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập lý luận chính trị là
nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo
đức, do đó, nếu nhận thức lơ là hoặc sai lệch về tầm quan trọng của lý luận và
việc học tập lý luận chính trị, tất yếu dẫn đến lười học, ngại học, học đối
phó. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên chẳng những không nắm vững và vận dụng được các
nguyên lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn không thể
hình thành và phát triển tư duy khoa học khách quan. Thực tế cho thấy, học tập
lý luận chính trị là vấn đề hệ trọng, có ảnh hưởng lớn; nếu không học tập lý
luận có thể kéo theo hàng loạt những vấn đề phức tạp khác, như suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... và từ suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn,
thậm chí rất ngắn, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu,
thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét