Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân khác hẳn về chất so với sứ mệnh của các giai cấp trước đó

 


Mục tiêu cuối cùng mà sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thực hiện là xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Giai cấp công nhân làm cách mạng nhằm xoá bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, nguồn gốc sinh ra mọi áp bức bóc lột, bất công xã hội, chứ không phải thực hiện sự thay thế chế độ tư hữu này bằng chế độ tư hữu khác, hay thay đổi hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác như trước đây.

Thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nhằm mang lại lợi ích cho tất cả nhân dân lao động trên toàn thế giới, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Tất cả những phong trào lịch sử từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều do mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của tuyệt đi đa số, mưu lợi cho tuyệt đại đa số”[1].

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là sự nghiệp cách mạng vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Tính quốc tế do bản chất của giai cấp công nhân và yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa quy định. Tuy nhiên, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân phải được giai cấp công nhân ở từng quốc gia dân tộc thực hiện trước hết ở nước mình, qua đó góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân toàn thế giới. Điều đó đã được C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”[2]. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân luôn phải giải quyết đúng đắn các mối quan hệ dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 611.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 613.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét