Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

 

Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, luôn coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và coi đó là nguyên tắc số một về tổ chức và hoạt động của một Đảng Cộng sản. Điều lệ của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đều khẳng định và chỉ rõ những nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng 93 năm qua, Đảng ta luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19 tháng 1 năm 2011) nhấn mạnh: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, biểu hiện cụ thể của nguyên tắc tập trung dân chủ chính là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng thống nhất với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong bộ máy nhà nước và trở thành một phong cách làm việc cần thiết của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, việc thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và phong cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Thực chất, việc cụ thể hóa nguyên tắc này là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa cấp ủy, tập thể lãnh đạo và mỗi thành viên, mà quan trọng nhất là đối với vị trí, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó... Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”. Trong hoạt động lãnh đạo, một mặt, nếu tập thể lãnh đạo cùng tham gia, đóng góp ý kiến, thảo luận, bàn bạc thấu đáo, kỹ lưỡng, thì quyết định lãnh đạo, chủ trương, chính sách mới sẽ bảo đảm được tính khách quan, chính xác hơn, khắc phục được tình trạng chủ quan, duy ý chí; mặt khác, khi tập thể đã thảo luận một cách dân chủ, kỹ lưỡng và có quyết định chính xác, đúng đắn về chủ trương, thì không thể hô hào chung chung, mà tất cả mọi người phải cùng thực hiện, phải phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách trong từng lĩnh vực, từng công việc cụ thể. Chỉ có như vậy, hoạt động của cơ quan, đơn vị sẽ vừa phát huy được dân chủ, tập hợp trí tuệ của các thành viên và nâng cao vai trò lãnh đạo của tập thể, vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, phát huy được năng lực, sở trường và tính chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên khi được phân công phụ trách, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách” có mối quan hệ gắn bó mật thiết, biện chứng với nhau, là hai mặt thống nhất trong một chỉnh thể không thể tách rời. Khi một tập thể lãnh đạo gương mẫu, thực sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tất cả vì lợi chung của Đảng, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, sẽ tạo được môi trường thuận lợi cho mỗi thành viên lãnh đạo rèn luyện, phấn đấu, phát huy hết phẩm chất, năng lực, sở trường để đóng góp cho sự nghiệp chung. Bên cạnh đó, khi mỗi thành viên cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thực sự tiền phong gương mẫu, luôn năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, sẽ làm tăng thêm vai trò, sức mạnh và năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Trong mối quan hệ giữa “tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách”, thì mối quan hệ giữa cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Khi tập thể lãnh đạo thực sự đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, giữ vững nguyên tắc tổ chức và các quy định của Đảng, tất cả vì lợi ích của nhân dân, các thành viên ban lãnh đạo đều đề cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đấu tranh với quan điểm và hành vi sai trái..., sẽ làm tăng thêm vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trở thành chỗ dựa vững chắc để người đứng đầu quyết đoán, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, sẽ ngăn ngừa, hạn chế được những biểu hiện chủ quan, duy ý chí và hành vi vi phạm nguyên tắc của người đứng đầu. Điều đó là bởi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ là một thành viên trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, nhưng có vị trí rất quan trọng, đóng vai trò “thủ lĩnh”, định hướng, dẫn dắt cả tập thể trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn cũng chỉ ra rằng, nếu người đứng đầu có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gương mẫu về mọi mặt, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, sẽ góp phần xây dựng tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đưa địa phương, cơ quan, đơn vị vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nơi nào và lúc nào người đứng đầu thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu, chấp hành không nghiêm chủ trương, đường lối, các nguyên tắc, quy định của Đảng, có tư tưởng vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa..., thì sẽ dẫn đến thiếu đoàn kết, thống nhất trong nội bộ lãnh đạo; nhiệm vụ chính trị không được hoàn thành, trong cơ quan, đơn vị thường xảy ra tiêu cực, thậm chí tham nhũng, lãng phí, vi phạm Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không những gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm tổn thất, mất mát về cán bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét