Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội

 


Trên cơ sở lý luận, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa xã hội khoa học khẳng định, sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là kết quả tất yếu của sự phủ định biện chứng hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, do sự vận động, phát triển của các quy luật khách quan chi phối, mà trước hết và chủ yếu là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn về kinh tế và chính trị - xã hội trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa.

Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện và được phân chia thành các thời kỳ và các giai đoạn khác nhau. Dựa trên cơ sở khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin phân chia hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa thành một thời kỳ (thời kỳ quá độ) và hai giai đoạn: Giai đoạn thấp (Chủ nghĩa xã hội); giai đoạn cao (Chủ nghĩa cộng sản).

Chủ nghĩa xã hội, theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, là giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, là kết quả trực tiếp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những cơ sở kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội tương ứng bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội tồn tại và phát triển lên chủ nghĩa cộng sản.

Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội

Khẳng định hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội với tư cách là một xã hội mới, tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản, Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Trước hết, việc quản lý công nghiệp và tất cả các ngành sản xuất nói chung sẽ không còn nằm trong tay của cá nhân riêng lẻ cạnh tranh với nhau nữa. Trái lại, tất cả các ngành sản xuất sẽ do toàn thể xã hội quản lý,... Do đó, chế độ tư hữu cũng phải được thủ tiêu và phải được thay bằng việc sử dụng chung tất cả mọi công cụ sản xuất và việc phân phối sản phẩm theo sự thỏa thuận chung,... Thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội; việc cải tạo này là kết quả tất yếu của sự phát triển của công nghiệp. Cho nên, những người cộng sản hoàn toàn đúng khi đề ra việc thủ tiêu chế độ tư hữu thành yêu cầu chủ yếu của mình”[1]. Kế thừa và bổ sung phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của nền đại công nghiệp cơ khí. Và nếu quần chúng lao động đang xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không biết đem ứng dụng những cơ quan của mình cho phù hợp với những phương thức hoạt động của đại công nghiệp cơ khí, thì không thể nói đến việc thiết lập chủ nghĩa xã hội được”[2]. Trên cơ sở luận chứng một cách khoa học về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội như sau:

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền công nghiệp hiện đại.

Chủ nghĩa xã hội xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới.

Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.

Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, thực hiện bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 467.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 193.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét