Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

 


Tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng ta chỉ rõ:Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp[1].

Là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, lớp công nhân đầu tiên xuất hiện gắn liền với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897) và thực sự trở thành giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ hai (1924 - 1929). Là một bộ phận của giai cấp công nhân thế giới, nên giai cấp công nhân Việt Nam mang đầy đủ đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân nói chung và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân quốc tế, ngoài đặc điểm chung, giai cấp công nhân Việt Nam có những nét đặc điểm riêng của mình.

Giai cấp công nhân Việt Nam được hình thành và phát triển trong lòng một dân tộc có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống kiên cường, bất khuất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Dưới ách thống trị của bè lũ thực dân xâm lược và phong kiến tay sai làm cho nỗi nhục mất nước và nỗi khổ vì bị bóc lột, áp bức của giai cấp công nhân tăng lên gấp bội, khiến cho động cơ, nghị lực, lòng nhiệt tình và tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân càng được nâng cao.

Ra đời và trưởng thành ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, từ một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đa số là nông dân lại được hình thành và phát triển sau Cách mạng tháng Mười, khi chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II đã bị phá sản, Quốc tế cộng sản đã ra đời, nên giai cấp công nhân Việt Nam sớm có chính đảng của mình, không bị ảnh hưởng tư tưởng cải lương trong Quốc tế II, luôn giữ vững được truyền thống, bản chất cách mạng, thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong phạm vi cả nước.

Tuy ra đời muộn hơn so với giai cấp công nhân ở các nước châu Âu, số lượng ban đầu còn nhỏ bé, chỉ gắn với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, mà không gắn với sự phát triển của đại công nghiêp nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã sớm tỏ ra là một lực lượng cách mạng kiên cường, tiên phong trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Giai cấp công nhân Việt Nam, do nguồn gốc xuất thân chủ yếu từ nông dân và các tầng lớp xã hội khác, nên có mối quan hệ tự nhiên mật thiết với giai cấp nông dân và những tầng lớp lao động khác.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo môi trường thuận lợi để giai cấp công nhân nước ta phát triển nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên, song chưa đồng đều, cơ cấu đang có sự biến đổi nhanh chóng.

Cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của kinh tế tri thức, giai cấp công nhân nước ta có trình độ học vấn ngày càng tăng, đã hình thành bộ phận công nhân trí thức. Tuy nhiên, số công nhân có trình độ học vấn cao, kỹ năng nghề nghiệp giỏi vẫn còn ở mức trung bình và thấp. Công nhân, lao động ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là lao động giản đơn chưa qua đào tạo nghề. Đặc biệt, còn thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân xuất thân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay có sự biến đổi nhanh chóng. Cùng với tiến trình đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ở nước ta đã xuất hiện một số ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò then chốt của nền kinh tế quốc dân như ngành dầu khí, điện tử, tin học, bưu chính viễn thông, một số ngành dịch vụ... Sự phát triển nhanh của các ngành này dẫn đến sự tăng nhanh về số lượng, chất lượng đội ngũ công nhân.

Hiện nay, một bộ phận công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn cao đã có thu nhập khá. So với trước đổi mới, đời sống công nhân có cải thiện đáng kể, nhất là công nhân trong các ngành mũi nhọn song, nhìn chung đời sống đa số công nhân vẫn còn nhiều khó khăn.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét