VAI TRÒ CỦA VIỆC HỌC TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
Giá trị của lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với
vai trò cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mỗi cán bộ, đảng
viên (CB, ĐV) và nhân dân Việt Nam đã được chứng minh trong thực tiễn.
Trước thực trạng một bộ phận CB, ĐV lười học LLCT, cùng với
việc tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của LLCT, Đảng ta đã ban hành nhiều
chủ trương, giải pháp để khắc phục tình trạng này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII của Đảng đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của
đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan
trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước”. Nghị quyết cũng chỉ rõ hạn chế: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng
cho CB, ĐV về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập
nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và
phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao
trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra”.
Trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần
thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ,
đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” đó là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng; phải tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của CB,
ĐV về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập LLCT, đề cao trách nhiệm tự học, tự
nghiên cứu của cá nhân. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số
32-NQ/TW ngày 26-5-2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo,
bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghị quyết đã khẳng định: Đào tạo,
bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng.
Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt, học tập
LLCT là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của CB, ĐV, trước hết là cán bộ lãnh
đạo, quản lý các cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng
LLCT phải luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ và gắn
kết chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ. Bởi thế, đào tạo LLCT phải bảo
đảm tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ
nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ... Tránh hiện tượng giao chỉ
tiêu, cử cán bộ đi học LLCT theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến người học
không có động lực, không thấy đó là nhu cầu thiết thân mà còn gây tốn kém, lãng
phí ngân sách, thời gian, công sức. Trên thực tế, một số cấp ủy, tổ chức đảng
chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng LLCT cho đảng viên, có hiện tượng
khoán trắng cho cơ quan tham mưu mà thiếu kiểm tra, giám sát. Việc cụ thể hóa
các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành chương trình, kế hoạch tổ chức
thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt,
còn trông chờ, ỷ lại cấp trên. Tình trạng bớt thời gian, cắt xén nội dung trong
quán triệt, truyền tải nghị quyết của Đảng không hiếm. Điều này đã được Đảng ta
chỉ ra. Tuy vậy, những giải pháp để khắc phục ở cơ sở hiện nay là chưa triệt để.
Nhiều cán bộ qua đào tạo LLCT ở các bậc học đã nêu lên một
thực trạng, đó là sự trùng lặp nội dung các bậc học, thiếu sự liên thông, tính
kế thừa, tính thống nhất giữa các cấp học dẫn đến việc cán bộ phải học nhiều lần
một số chuyên đề, học phần. Chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết,
kinh viện mà chưa có bổ sung thấu đáo về tính thực tiễn. Đúng như tinh thần Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý
luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế”. Như vậy, phải có
nghiên cứu thấu đáo việc đưa chương trình, nội dung vào giảng dạy ở các bậc học.
Đây cũng là vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước, hệ thống các cơ sở đào tạo cần quan
tâm, tìm ra phương thức hợp lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét