Lịch sử
hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn nhất quán tư duy
độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Đó là sợi chỉ
đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc
riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và đường lối đối ngoại Việt Nam “đầy hào
khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa” như
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Đại hội
XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan
hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên
tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp
tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin
cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Những
năm qua, trước các diễn biến phức tạp của thời cuộc, quan hệ ngoại giao của
Việt Nam đã góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Quan hệ
ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm
nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt
Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước
trên thế giới. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp
của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển,
đảo của Tổ quốc; đồng thời quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này luôn được cộng đồng quốc tế
ủng hộ mạnh mẽ.
Đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta
nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” nói riêng là
kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta. Đường lối đó có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững
chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công
khai.
Thực tế
cho thấy, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước, đặc biệt là các nước lớn
luôn có xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau như: Mỹ, Trung Quốc, Nga,
Nhật Bản, Ấn Độ... Do đó, những luận điệu cho rằng việc “đi theo”, “liên minh”
với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo không
những phản động, sai lầm mà còn thể hiện tư tưởng yếu hèn, trái với phương châm
đối ngoại thêm bạn, bớt thù của Đảng ta.
Để giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, trước hết cần bảo đảm tuyệt đối
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác ngoại giao. Đường
lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả
các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, được thể hiện
sâu sắc trong các văn kiện đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới. Thực tiễn đã minh
chứng, đường lối, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa giúp Việt Nam
tạo dựng một mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ được nhiều yếu tố thuận lợi
cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế
Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong
tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần tăng cường hiệu
quả công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên
gia đối ngoại trong nghiên cứu, tham mưu, đóng góp vào việc xây dựng chính sách
và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng. Tích cực đổi mới nội dung, phương
thức thông tin đối ngoại, ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin,
truyền thông để tăng cường thông tin, quảng bá về đất nước, con người, thành
tựu của Việt Nam và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cần chủ động phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động chống phá đường lối đối ngoại của Đảng. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, cơ hội tập hợp lực lượng, gây rối chính trị, làm mất an ninh trật tự, gây rối loạn lòng dân, ảnh hưởng tới lợi ích đất nước. Tuyệt đối không để xảy ra sơ hở khiến kẻ thù có thể lợi dụng xâm nhập, thu thập bí mật, phủ nhận, truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch, kích động, xuyên tạc phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét