Bài viết
luận giải việc nhận diện mục đích, phương thức, phương tiện, đối tượng tác
động, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc công tác cán bộ trên
không gian mạng trước thềm Đại hội XIV của Đảng. Đề xuất giải pháp đấu tranh
bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc công tác cán bộ của
Đảng trên không gian mạng hiện nay.
1. Mở
đầu.
“Cán bộ
là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán
bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không
tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là
những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân,
nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”…
Thấu
suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng,
Đảng ta luôn nhận thức rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách
mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là
nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến
hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả”. Cùng với đó,
Đảng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác cán bộ.
Tuy
nhiên, lợi dụng những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ; đặc biệt trước
việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét nguyện vọng cá nhân và
cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao của
Đảng, Nhà nước; xử lý kỷ luật, khởi tố một số cán bộ lãnh đạo bộ, ngành, cấp
ủy, chính quyền địa phương... các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội
chính trị đã ra sức tung tin thất thiệt, xuyên tạc tình hình chính trị ở Việt
Nam; bôi nhọ công tác cán bộ, trọng tâm là công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội
XIV của Đảng. Những hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch cần được nhận
diện và đấu tranh loại bỏ.
2. Nhận
diện luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc công tác cán bộ trên không
gian mạng.
Về mục
đích: chúng gây nghi kỵ, chia rẽ đoàn kết, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ; làm lung lay niềm tin của nhân dân đối với công tác cán bộ,
hạ thấp uy tín của Đảng; phá hoại mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà
nước với nhân dân; cổ xúy tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng; kích động
người dân biểu tình chống đối chế độ.
Về
phương thức, phương tiện: chúng chủ yếu sử dụng một số trang mạng xã hội phổ
biến, có độ tương tác rộng, truyền tải thông tin, hình ảnh với tốc độ nhanh
như: Google+, Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok, Twiter…; một số phương tiện
truyền thông trên Internet, như: VOA, RFA, BBC, RFI... Các thế lực thù địch đã
tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi là Việt Nam có hơn 72,1 triệu người sử dụng
Internet (chiếm 73,2% dân số); 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, xếp thứ 13
thế giới về số lượng người dùng; hàng chục triệu Việt kiều và nhiều người nước
ngoài thường xuyên quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt
Nam... để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Đối
tượng mà các thế lực thù địch hướng đến là một bộ phận đảng viên, nhân dân có
nhận thức hạn chế, thiếu bản lĩnh và một số Việt kiều, người nước ngoài thiếu
hiểu biết về Việt Nam để kích động tâm lý hoài nghi, lung lạc niềm tin, từ đó
hướng lái, lôi kéo họ chống đối Đảng, chống phá chế độ.
Để thực
hiện âm mưu chống phá, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào, trong đó
tập trung một số thủ đoạn phổ biến:
Thứ
nhất, bịa đặt tình trạng bất ổn chính trị.
Đây là
“át chủ bài”, là luận điệu xuyên tạc thâm hiểm, nhằm thực hiện “thuyết âm mưu
chính trị” của các thế lực thù địch. Từ việc Đảng ta kiên quyết, xử lý nghiêm
minh một số cán bộ, đảng viên sai phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ,
bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”,
chúng sử dụng một số “chuyên gia”, “học giả” tự phong, bất mãn, các cây bút tự
xưng là “nhà báo” để bình luận xuyên tạc, vẽ lên bức tranh u tối về tình hình
chính trị Việt Nam “bất ổn”, “đấu đá nội bộ”, “phe cánh” và xuyên tạc rằng
“kinh tế đất nước suy thoái, môi trường đầu tư không còn sức hấp dẫn, không còn
an toàn” v.v..
Thứ hai,
xuyên tạc về công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ của Đảng.
Các thế lực thù địch cố tình quy chụp công tác quy hoạch nhân sự của Đảng
là “không bài bản”, “áp đặt”. Chúng trắng trợn xuyên tạc việc phát hiện, lựa
chọn, tạo nguồn, quy hoạch cán bộ là “vô nguyên tắc, thiếu minh bạch, mất dân
chủ”; “ham sử dụng “cánh hẩu”, “hậu duệ”, đối tượng “cơ hội” chạy chức, chạy
quyền”; “đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia - dân tộc”; “không coi
trọng sử dụng đúng hiền tài, “nguyên khí” của quốc gia”... Từ đó, chúng quy
chụp cho rằng không ít cán bộ lãnh đạo “không xứng đáng là “công bộc”, “đầy tớ
trung thành của nhân dân””.
Thứ ba,
quy chụp, đánh đồng tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ,
đảng viên thành bản chất của Đảng, chế độ.
Đây là
luận điệu xuyên tạc thâm độc, nguy hiểm, “lập lờ đánh lận con đen”. Trong xây
dựng và tự chỉnh đốn, Đảng ta thẳng thắn chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên,
tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”. Tuy nhiên, từ biểu hiện
“con sâu bỏ rầu nồi canh”, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, coi đó là
tình trạng “phổ biến” của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng
viên “có chức, có quyền”; cố tình quy chụp hiện tượng không phổ biến thành “bản
chất”, “lỗi hệ thống”, “khuyết tật cố hữu, bẩm sinh” của thể chế chính trị
XHCN.
Thứ
tư,“chĩa mũi nhọn” khoét sâu hạn chế, khuyết điểm, bôi nhọ thanh danh; tạo hiệu
ứng “tẩy chay”, “hạ bệ” cán bộ.
“Đánh
vào lòng người” là chiêu trò nham hiểm của các thế lực thù địch sử dụng trước
nhiều kỳ đại hội của Đảng; chúng sử dụng để phát huy “sức công phá” một cách
triệt để. Với chiêu trò tung hô, “thần thánh hóa” đức độ, tài năng của những
cán bộ tiền bối của Đảng hòng tạo hình ảnh đối lập, làm lung lạc niềm tin của
nhân dân vào thế hệ cán bộ đương nhiệm và thậm chí là cả thế hệ cán bộ tương
lai. Chủ định làm mất uy tín, hạ bệ cán bộ trong quy hoạch nhân sự lãnh đạo của
Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tập trung khoét sâu vào
đời tư, phán xét “tâm - tầm - trí”, phong cách làm việc, bới móc khuyết điểm
của ngành, lĩnh vực cán bộ đã và đang phụ trách để quy kết, “liên đới trách
nhiệm” của người đứng đầu.
Thứ năm,
giật tít tiêu đề bài nói, bài viết, video clip một cách “lấp lửng”, cắt ghép để
thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Từ những
sự kiện, người thật - việc thật, các thế lực thù địch thêu dệt, hư cấu một số
chi tiết theo hướng tiêu cực, làm sai lệch bản chất vấn đề. Để kích thích sự tò
mò, gây tâm lý hoài nghi, tạo dư luận xấu trong xã hội, chúng sử dụng cách thức
giật tít tiêu đề, tung lên các trang mạng xã hội những bài nói, bài viết, video
clip theo kiểu lấp lửng, nghi vấn. Chẳng hạn: “Thông tin bí mật đời tư của ông
A, bà B…”, “Nội bộ đấu đá, cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phe nào?”… Đây là
hình thức “câu view”, “câu like” thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng mạng,
tạo hiệu ứng lan truyền thông tin nhanh trong thời gian ngắn.
Thứ sáu,
núp bóng “góp ý”, “kiến nghị” để nắn dòng dư luận.
Đây là
một trong những thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, núp bóng “tiếng
nói”, “nguyện vọng” tha thiết của đại bộ phận dân chúng để “góp ý”, “kiến nghị”
với Đảng, Nhà nước về một số vấn đề nhạy cảm, như: xây dựng xã hội dân sự; phát
huy quyền tự do dân chủ, nhân quyền theo mô hình phương Tây… Chiêu trò trên
nhằm hướng lái dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Nếu cán bộ, đảng viên
lơ là, mất cảnh giác, yếu kém về nhận thức chính trị sẽ bị “trúng bẫy”, lầm
tưởng, ngộ nhận đó là những góp ý xuất phát từ “tâm huyết”, trách nhiệm chính
trị cao của công chúng đối với vận mệnh dân tộc.
3. Giải
pháp đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc công tác
cán bộ của Đảng trên không gian mạng.
Trên cơ
sở nhận diện rõ mục đích, phương thức, đối tượng và âm mưu, thủ đoạn của các
thế lực thù địch xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng trên không gian mạng,
cần tiến hành đồng bộ các giải pháp đấu tranh phản bác, trong đó tập trung vào
một số giải pháp chủ yếu:
Một là,
coi trọng đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ,
đảng viên và nhân dân trước thông tin xấu, độc, vu khống, bịa đặt về công tác
cán bộ của Đảng.
Để làm
tốt vấn đề này, cần sự đồng thuận từ Trung ương đến các đảng bộ, chi bộ cơ sở;
cần quán triệt, thực hiện chỉ dẫn của V.I.Lênin: “phải nâng cao trình độ văn
hóa của quần chúng lên… Nếu không thì không thể thật sự thực hiện những nhiệm
vụ của chúng ta được”. Coi trọng bồi dưỡng “nâng cao lập trường, bản lĩnh chính
trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược”; nâng cao
nhận thức, phương pháp tiếp cận thông tin, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và
nhân dân luôn tỉnh táo, cảnh giác, tự đề kháng; không tiếp tay, không lan
truyền thông tin chưa được kiểm chứng.
Đổi mới
công tác giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị, đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước theo hướng “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý
luận với thực tiễn”. “Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ
quan báo chí; tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng
viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh
thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”.
Hai là,
mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch thông tin và kịp thời định hướng dư luận
xã hội.
Các cơ
quan chính quyền, báo chí cần thực hiện nghiêm quy chế quản lý báo chí, quy chế
phát ngôn, “chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng
định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên
internet, mạng xã hội”; đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác tổ
chức cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của
Đảng, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thiết lập,
duy trì nhiều diễn đàn trên không gian mạng để đăng tải nội dung tuyên truyền
sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ. Công bố rõ lý do xử
lý kỷ luật, xử lý hình sự đối với cán bộ tham nhũng, hối lộ. Nâng cao tính minh
bạch trong “kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.
Ba là,
kiên quyết xử lý nghiêm hành vi cung cấp thông tin sai sự thật và hành vi xuyên
tạc, bôi nhọ, nói xấu, vu khống công tác cán bộ của Đảng.
Kiên
quyết “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với
các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm
chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”. Đối
với những cá nhân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm
lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; tung tin không đúng, chưa được kiểm chứng về công
tác cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng; vu khống, bôi nhọ
danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân cán bộ lãnh đạo trên Internet, mạng xã hội…
tùy mức độ sai phạm tiến hành phê bình, kiểm điểm, thi hành kỷ luật nghiêm khắc
theo quy định, pháp luật hiện hành.
Bốn là,
phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc
công tác cán bộ của Đảng trên không gian mạng.
Thời
gian qua, hàng triệu người dân bị các kênh truyền thông “bẩn”, “báo lá cải”,
các trang mạng xã hội độc hại tấn công đã bày tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ và đã
dùng các trang cá nhân trên mạng xã hội để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, vu
khống của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của nhân dân
trong nước, kiều bào ở nước ngoài tích cực, chủ động tham gia đấu tranh phản
bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng, các cơ quan chức năng, cơ
quan báo chí, ngôn luận cần định hướng để mọi công dân nắm vững, chấp hành
nghiêm “Luật An ninh mạng”; khi đăng tải nội dung, bình luận, chia sẻ thông tin
cần thể hiện đúng văn hóa ứng xử. Có chế tài xử lý nghiêm những kẻ mượn danh
“tiếng nói của dân” để “tiếp sức” cho các thế lực thù địch đặt điều, vu khống,
xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ của Đảng.
Năm là,
tăng cường các biện pháp kỹ thuật để quản lý, sử dụng, ngăn chặn các trang mạng
độc hại và việc truy cập vào các trang mạng độc hại.
Các cơ
quan chức năng về an ninh mạng chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật, công
nghệ, nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các trang mạng độc hại, trá hình, có máy
chủ ở nước ngoài đăng tải thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà
nước ta. Trên cơ sở luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, chủ động phối hợp
với cơ quan chức năng nước sở tại và nhà cung cấp dịch vụ các trang mạng xã hội
để tiến hành bóc gỡ, vô hiệu hóa những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu tung tin sai trái,
bịa đặt và những đối tượng tiếp tay lan truyền thông tin xuyên tạc trên không
gian mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét