Mới đây đọc được một thông tin của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nói trong một cuộc họp gì đó rằng, cứ với tỳ suất sinh như hiện nay thì đến năm 2200, dân số nước Việt sẽ chỉ còn là 46 triệu người. Nhận định đó là đúng hay sai thì xin nhường cho các nhà nhân chủng học. Nhận định của giáo sư Nhân là dựa trên tỷ lệ sinh hiện nay vào khoảng 2%, vì thế, một mặt dân số già đi, người còn sức lao động cũng ít đi, đó có phải là điều đáng để chúng ta lo lắng.
Lão không biết vì lão không phải là nhà khoa học. Song lão thấy có điều gì đó mà ta gọi là nghịch lý.
Năm 1945, thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, dân số cả nước ta chỉ có 25 triệu người. Trải qua những thời kỳ đói kém, chiến tranh loạn lạc rồi hòa bình được lập lại, dân số nước CHXHCN Việt Nam đã đạt con số 100 triệu người vào năm 2023. Như vậy, trong giai đoạn từ 1945 đến 1975 là 30 năm, rồi từ 1975 đến 2025 là 50 năm, chưa đủ qua một thế kỷ (còn thiếu 20 năm), với điều kiện xã hội muôn vàn khó khăn gian khổ, ấy thế mà việc sinh đẻ cứ gọi là “sòn sòn”. Chính vì tỷ lệ sinh đẻ ở thời kỳ này cao như vậy nên mới có chủ trương “kế hoạch hóa” và nơi nơi xuất hiện cái băng-rôn với câu “mỗi nhà có hai con, vợ chồng hạnh phúc”.
Đó là một nghịch lý, nghèo nhưng lại đẻ nhiều. Ngày nay, Việt Nam tuy được gọi là giàu nhanh nhưng vẫn còn thua các nước phát triển. Những tưởng như các cụ nhà ta thường nói, “no ăn ấm cật dậm dật phao câu”, song không phải thế. Ngày nay chưa ai nói chính thức là không hạn chế sinh đẻ nữa, cũng có nghĩa là “đẻ tùy sức”, sức ở đây vừa là sức khỏe lại vừa là mức độ thỏa mãn về tiền của. Ấy thế mà thời hiện đại lại xuất hiện trào lưu, ở với nhau không có hôn thú, và chấp nhận không có con nối dõi tông đường. Thế là dân số giảm. Lại thêm một nghịch lý, lần này lại là trào lưu ngược với thời kỳ nghèo khổ trước đây.
Khi đem chuyện này ra trao đổi với mấy người, họ bảo tuy đời sống vật chất có được cải thiện nhiều, song vẫn sợ những khoản gia đình phải chi ra cứ ngày một tăng. Chỗ nào tăng? Giáo dục và y tế! Cái thời cả nước còn chưa biết hình hài cái nền kinh tế thị trường như thế nào, và cả nước còn gạo 13 kí, vải 5 mét, đường 250 gam vân vân, song chẳng gia đình nào phải lo con mình thất học, chẳng ai lo “có bệnh phải vái tứ phương”. Con đến tuổi thì đưa nó vào trường, học được hay không là chuyện của những đứa trẻ, bởi trường sở do nhà nước xây, trang bị học đường do nhà nước sắm, đội ngũ giáo viên do nhà nước nuôi.
Mỗi khi ai đó có bệnh cứ việc đưa đến bệnh viện cao thấp, xa gần, tùy theo tình trạng người bệnh mà xử lý. Chả ai phải lo viện phí cao hay thấp; chẳng ai lo phải đi cầu cạnh bác sĩ này bác sĩ khác.
Ấy là thời bao cấp, là thời xã hội ta còn thấp kém, nghèo khổ. Mọi thứ, từ chuyện học hành đến khám chữa bệnh đều “fờ-ri”. Tại sao lại được vậy? Vì những mặt trái của nền kinh tế thị trường nó chưa có điều kiện chen vào mọi mặt cuộc sống xã hội. Còn ngày nay, đụng đâu là cần tiền đó. Người ta quên (vô tình hay cố tình), quên béng mất vế quan trọng ở đằng sau. Thế là dân sợ đẻ!
Dân sợ đẻ dẫn đến số người già tăng lên, số người trẻ giảm đi, vậy lấy ai mà đủ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Vì vậy để tránh hoặc làm chậm quá trình già hóa dân số, đâu chỉ có việc vận động các bà các chị đẻ nhiều, đẻ cho đến khi hết trứng thì thôi! Nếu như các ngành như y tế, giáo dục cứ tăng thu như hiện nay và hơn nữa thì còn ai dám đẻ.
St Dịu Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét