Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

 

MỘT SỐ BÀI HỌC TRONG THỰC HIỆN 
ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI  CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI


Đường lối, chính sách đối ngoại của một Nhà nước quốc gia là tổng thể các quan điểm xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại mà quốc gia đó thể hiện trong quan hệ với các Nhà nước quốc gia và các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế nhằm mục đích thực hiện thắng lợi những lợi ích của quốc gia dân tộc và của giai cấp cầm quyền trong từng giai đoạn lịch sử. 
Đối với Việt Nam, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là hệ thống quan điểm về mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp, phương châm chỉ đạo hoạt động của nước ta với bên ngoài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc chân chính, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của Nhân dân thế giới vì mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Gần 40 năm đổi mới đã chứng mjnh công tác đối ngoại đã góp phần đưa đất nước đi đúng xu thế của thời đại, góp phần kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Với các nước lớn, Việt Nam đã xây dựng được các khuôn khổ quan hệ ổn định, cùng có lợi, phù hợp với lợi ích của đất nước về lâu dài. Các nước lớn cũng đặt Việt Nam ở vị trí ngày càng cao trong chiến lược của họ ở khu vực và trên thế giới. Với các nước láng giềng, chúng ta đã giữ được phên dậu, giữ được hòa hiếu, đã tìm ra hướng đi chung với láng giềng, kể cả trong những lĩnh vực nhạy cảm (ví dụ như trong vấn đề Mê-công với Lào). Với các cơ chế đa phương, Việt Nam đã mở ra không gian rộng lớn hơn để có thể tham gia ngày càng sâu rộng, chủ động hơn, có thể đóng vai trò lớn hơn, đóng góp thực chất hơn, đồng thời phục vụ thiết thực với việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Công tác đối ngoại đã đồng đều hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lĩnh vực (ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa) trên các kênh (ngoại giao Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại nhân dân).
Tính đến thời điểm hiện nay, mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện chiếm 59% dân số, 61% GDP, 68% thương mại toàn cầu, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của ta. Các đối tác này chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính, với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách; đóng góp 74% FDI tại Việt Nam.. Về trung và dài hạn, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao vào khoảng 2030. Theo dự báo của OECD, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm các nước phát triển OECD vào khoảng 2050. 
Từ thực tiễn hoạt động đối ngoại gần 40 năm qua với những thành tựu và hạn chế, có thể rút ra một số bài học sau:
Thứ nhất, mục tiêu hàng đầu của đối ngoại là vì lợi ích quốc gia – dân tộc.
Thứ hai, kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc với quốc tế.
Thứ ba, giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế.
Thứ tư, kiên định về nguyên tắc chiến lược nhưng mềm dẻo, cơ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý tình huống theo tinh thần “ngoại giao cây tre”.
Thứ năm, triển khai hoạt động đối ngoại một cách toàn diện.
Trong thế giới ngày nay, quá trình toàn cầu hóa tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã đặt ra những hoàn cảnh mới của việc chúng ta theo đuổi lợi ích quốc gia – dân tộc. Hoạt động đối ngoại sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi những vấn đề mới đối với việc hoạch định và triển khai công tác đối ngoại.. Do vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét