Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Tính khách quan, khoa học và khả thi của đường lối đổi mới của Đảng

Thực tế cho thấy, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, được mở đầu từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, đó là một tất yếu khách quan, xuất phát từ quá trình vận động, biến đổi và phát triển của đất nước, do những quy luật khách quan chi phối, cùng với những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Mặc dù sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã tạo ra được những tiền đề nhất định để xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, cải biến các mặt của đời sống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đất nước còn đứng trước nhiều thử thách, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng làm cho kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, v.v. Để đưa đất nước vượt qua khó khăn, có bước phát triển mạnh mẽ mang tính đột phá, nhất thiết phải thực hiện một sự thay đổi mang tính cách mạng, nhằm chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Đó là cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước vào năm 1986.

Có thể khẳng định, đường lối đổi mới của Đảng là khoa học, cách mạng và khả thi. Bởi đường lối ấy được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - học thuyết khoa học và cách mạng vì sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, cũng như xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở nền tảng tư tưởng ấy, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới khoa học và cách mạng, mang tính sáng tạo, đột phá, được thể hiện tập trung ở ba trụ cột chủ yếu là: lý luận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, lý luận “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một sáng tạo đột phá của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lý luận về đường lối đổi mới. Lý luận này được đề xuất trên cơ sở tổng kết thực tiễn chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới thế kỷ XX, cũng như xuất phát từ thực tế khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước theo mô hình kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp đã tồn tại lâu dài trong chủ nghĩa xã hội. Lý luận này tạo ra bước ngoặt căn bản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội IX của Đảng xác định mô hình kinh tế tổng quát ở Việt Nam là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Từ Đại hội IX đến Đại hội XIII, lý luận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng được nhận thức, bổ sung, phát triển đầy đủ, sâu sắc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”2.

Tiếp đó, sự hình thành khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là một trong những đóng góp quan trọng bổ sung, phát triển cơ sở lý luận về nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, làm thay đổi căn bản lý luận về quyền lực chính trị trong chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng là bước đột phá trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng ta, đánh một dấu mốc quan trọng trong đổi mới hệ thống chính trị nói chung, đổi mới Nhà nước ở nước ta nói riêng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội cũng là sự phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng. Thực tế cho thấy, dân chủ là một nội dung của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ khi mới thành lập - cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Sau 40 năm đổi mới đất nước, từ quan điểm “Dân là gốc”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở, điều kiện cho toàn thể nhân dân lao động Việt Nam thực hiện được những quyền và thụ hưởng được những lợi ích căn bản của mình, góp phần giải phóng, phát triển con người và hoàn thiện xã hội.

Như vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được coi là trụ cột của đường lối đổi mới. Bởi lẽ, ba yếu tố này tạo nên nền tảng cho chế độ kinh tế, chế độ chính trị và chế độ xã hội của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ba yếu tố này làm điều kiện, tiền đề cho nhau, vừa tạo ra sự vững chắc, ổn định, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra nền tảng vật chất cho nhà nước xã hội chủ nghĩa, thông qua vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; đồng thời, tạo ra cơ chế tự do, tự chủ thúc đẩy sự tiến bộ của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở cho sự giải phóng và phát triển con người. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đảm bảo tính định hướng, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, dân chủ trong xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chỉ khi nào có dân chủ thực sự thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới có môi trường phát triển đầy đủ, lành mạnh và khi có dân chủ thực sự thì quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa mới được thực thi một cách thực chất. Do đó, không thể phán bừa rằng đường lối đổi mới của Đảng là không khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn,... như những luận điệu xuyên tạc thường rao giảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét