“Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh
thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ đảng viên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây
dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để xây
dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vị
trí, vai trò, năng lực cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc
giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Kỷ luật của Đảng là tổng thể những điều đã được quy định
trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định,
quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng có tính chất bắt buộc đối với hoạt động
của mọi tổ chức đảng và đảng viên nhằm bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư
tưởng, tổ chức trong toàn Đảng.
Kỷ luật Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện
quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất
cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương
của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Kỷ luật Đảng theo tư
tưởng Hồ Chí Minh có rất nhiều nội dung và khía cạnh. Bắt nguồn từ tính chất kỷ
luật Đảng theo tư tưởng của Người, nên “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là
nghiêm túc và tự giác”
NGHIÊM TÚC
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ
luật đảng, pháp luật nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Người
cho rằng, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Tất cả tổ chức
đảng và đảng viên đều phải phục tùng kỷ luật của Đảng, phải chấp hành các
nguyên tắc tổ chức của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch
Hồ Chí Minh yêu cầu: “Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã
quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách
thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện”.
TỰ GIÁC
Tự giác là đặc trưng cơ bản của kỷ
luật đảng. Kỷ luật này do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với
Đảng. Vì Đảng ta bao gồm những người thừa nhận và tự nguyện phấn đấu thực hiện
Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, lấy việc phấn đấu cho mục đích, lý tưởng
của Đảng, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân làm lẽ sống của mình. Người cho
rằng, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta
không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa và cũng
sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những sai
lầm, khuyết điểm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần
dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên
không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt
thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn
không dùng xử hạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không
đúng”
Trong
giai đoạn hiện nay, vai trò của kỷ luật đảng vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ
bản, lâu dài. Việc củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường
xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Đảng đòi hỏi các cấp ủy đảng, các
cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành luật pháp, phải đi đầu trong cuộc
đấu tranh tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa góp phần quan trọng trong quá
trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét