Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

SỰ KIỆN LỊCH SỬ NGÀY NÀY NĂM XƯA XỨ UỶ NAM KỲ ĐƯỢC LẬP LẠI

 



 Từ năm 1943, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ xuất hiện những điều kiện mới, sự khủng bố của địch giảm xuống, nhiều đảng viên vượt ngục hoặc mãn hạn tù trở về các địa phương tham gia hoạt động, các đồng chí tạm lánh cũng quay về. Các đồng chí còn lại bên ngoài đẩy mạnh khôi phục lại tổ chức. Một bộ phận đảng viên ở Nam Kỳ đã bắt được liên lạc với Trung ương. Tuy nhiên, phong trào cách mạng Nam Kỳ vẫn còn nhiều hạn chế nhất là sự thiếu vắng cơ quan lãnh đạo của toàn kỳ.

Nắm bắt được yêu cầu bức xúc đó, sau một thời gian gây dựng cơ sở, tổ chức được một số tỉnh uỷ, phân công người làm bí thư các tỉnh, lập các Liên Tỉnh uỷ miền Tây, miền Trung, miền Đông Nam Kỳ, các đồng chí vượt ngục Tà Lại (đầu năm 1941) cùng các đồng chí khác đã triệu tập Hội nghị vào tháng 10/1943 tại nhà ông hương trưởng Trần Vinh Hoài, xã Tân Thuận Bình (Chợ Gạo, Mỹ Tho) để lập lại Xứ uỷ Nam Kỳ, đánh giá tình hình, đề ra chủ trương hoạt động.

Hội nghị nghiên cứu bài học xương máu năm 1940, Nghị quyết Hội nghị Trung ương (11/1939). Hội nghị chủ trương trong điều kiện chưa liên lạc được với Trung ương thì thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6. Theo đó, nhiệm vụ cấp bách lúc này là giải phóng dân tộc, nhiệm vụ cách mạng điền địa tạm hoãn; cách mạng thành công sẽ lập Chính phủ cộng hoà...

Hội nghị quyết định: mặc dầu bị tổn thất nặng năm 1940, Nam Kỳ không được vắng mặt trong cuộc khởi nghĩa toàn quốc, cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ phải nổ ra trước hết và chủ yếu ở Sài Gòn - đầu não của địch, các tỉnh sẽ khởi nghĩa tiếp theo và đồng thời. Do đó, cần tập trung sức lực vào thành phố và vùng lân cận mà không xem nhẹ các tỉnh ở xa. Hội nghị cho rằng muốn nắm được Sài Gòn phải nắm được công nhân và thanh niên. Lực lượng công nhân có mạnh mới lôi kéo được các tầng lớp khác. Có nắm được thanh niên mới lôi kéo được tầng lớp tư sản, trí thức và tư sản dân tộc. Hội nghị đặt vấn đề “công nhân vận động" vào hàng chủ yếu và cấp bách.

Hội nghị bầu Xứ uỷ Nam Kỳ gồm 11 đồng chí, nhất trí cử Trần Văn Giàu làm Bí thư Xứ uỷ. Xứ uỷ lấy báo Tiền phong làm cơ quan tuyên truyền, chỉ đạo phong trào. Sau khi thành lập, Xứ uỷ Nam Kỳ phân công các uỷ viên và các địa phương công tác, hướng vào các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn.

Sự ra đời của Xứ uỷ Nam Kỳ đánh dấu một bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Nam Kỳ. Nó chứng tỏ Đảng bộ đã hoàn toàn hồi phục để lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của nhân dân trong Xứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét