Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

CHÂN DUNG TƯỚNG LĨNH QUÂN KHU 7 ( 1945-2020): THIẾU TƯỚNG BÙI CÁT VŨ

 Thiếu tướng Bùi Cát Vũ sinh năm 1924, tại xã Hưng Mỹ, quận Châu Thành (nay là huyện Châu Thành), tỉnh Trà Vinh - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên vùng đất Trà Vinh, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Trà Vinh dưới ngọn cờ của Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Duy Dương, Đề Triệu… Mặc dù các cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại, song đã khẳng định tinh thần bất khuất không sợ hy sinh, gian khổ để chống xâm lăng của người dân Trà Vinh. Những năm 20 của thế kỷ XX, với tình yêu quê hương, đất nước và tài năng sáng tạo cách mạng của tuổi trẻ, đồng chí Dương Quang Đông về Trà Vinh thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong. Tổ chức này ngày càng phát triển rộng rãi, lần lượt ra đời tại Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh và Càng Long. Đây chính là chiếc nôi hình thành nên các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 1930.

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, các huyện ủy, nhân dân Trà Vinh đã vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 25-8-1945. Thuở nhỏ, đồng chí Bùi Cát Vũ có tuổi thơ đầy cơ cực. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều phải đi làm thuê nuôi 4 người con. Năm 11 tuổi, cha mất, đồng chí phải đi làm thuê để phụ mẹ nuôi 3 em nhỏ. Tuy vậy, đồng chí học rất giỏi, thi tiểu học đỗ đầu tỉnh Trà Vinh và được cấp học bổng 5 đồng Đông Dương/tháng. Đồng chí cùng người em trai lên thị xã Trà Vinh ở trọ trong một ngôi chùa để ăn học. Sau đó, đồng chí thi vào Trường Trung học Mỹ Tho và được học bổng toàn phần. Nhưng do không có đủ tiền để mua trang phục, đồng chí Bùi Cát Vũ đã rời xa gia đình lên Sài Gòn kiếm sống. Chàng trai tỉnh lẻ mới 15 tuổi - Bùi Cát Vũ đã ngủ gầm cầu, vỉa hè, làm phụ hồ, bán báo... lay lắt kiếm ăn trên đất Sài Gòn. Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng đồng chí lại thích đọc và cổ động cho báo Dân Chúng. Đồng chí đã viết một truyện ngắn lấy tên “Phía sau ánh đèn điện” (sau được đổi tựa thành “Gió bụi Sài Gòn”) đăng trên báo. Qua truyện ngắn đầu tay này, nhà báo cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn nhận thấy Bùi Cát Vũ có thiên khiếu ghi nhận một cách sắc sảo, tinh tế về cuộc sống nên dạy cho chàng trai bán báo dạo cách lấy tin, viết phóng sự. Mới một năm tập sự làm báo, đồng chí đã tiến bộ rất nhiều và đặc biệt là được những bậc thầy cách mạng, chủ biên của tờ Dân Chúng truyền bá về chủ nghĩa Cộng sản.
Khi tờ báo Dân Chúng bị đóng cửa, ký giả Bùi Cát Vũ cũng bị bắt vào tù. Trong tù, đồng chí lại may mắn được tiếp xúc với nhiều bậc trí thức lớn như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai... Đó là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, có nhiều nỗ lực khác nhau để mưu tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Sau một thời gian ở tù, nhờ sự bênh vực của luật sư nên đồng chí được tại ngoại hầu tòa, buộc về quê quản thúc chờ ngày xử án. Trở về quê hương, nơi có con sông Cổ Chiên, vào thời điểm Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, đồng chí Bùi Cát Vũ bắt liên lạc với đồng chí Dương Quang Đông (lúc này là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh) và được cử làm Trung đội trưởng Cộng hòa vệ binh.
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí trở lại Sài Gòn rồi lên Biên Hòa, đến Chiến khu Đ. Từ đây, đồng chí Bùi Cát Vũ chính thức nhập ngũ, bắt đầu con đường binh nghiệp. Năm 1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương1. Nhận nhiệm vụ Giám đốc Binh công xưởng Biên Hòa (1946-1950), đồng chí đã nghiên cứu chế tạo thành công mìn lõm. Đây là một trong những đóng góp rất lớn cho thắng lợi của ta trong các trận đánh. Khu phó Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ đã miêu tả về chiến công chế tạo ra mìn lõm của đồng chí Bùi Cát Vũ như sau: Mặt nước bàu Cá Trê óng ánh như có trăng dưới rừng lá rộng… Các trái mìn lõm như những con mắt theo dõi bước đi của quân giặc. Từ sau hốc đá trên sườn cao, Chỉ huy phó vừa bấm công tắc mìn vừa ra lệnh: “Chi đội, nổ!”. Loáng một cái, đoàn xe thiết giáp từ Nha Trang vào tiếp sức cho địch ở Chiến khu Đ nổ tung trong biển lửa dậy trời. Trong số giặc bị tiêu diệt, có cả những sĩ quan cấp cao tử trận…
Trong thời gian ở Chiến khu Đ, đồng chí còn là người sát cánh cùng Khu phó Huỳnh Văn Nghệ làm nên chiến thắng La Ngà (20-12-1948) vang dội thời kỳ đầu kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng La Ngà, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, đồng chí Bùi Cát Vũ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1950, tổ du kích Tân Uyên được giao nhiệm vụ đánh tháp canh cầu Bà Kiên. Sau nhiều lần nghiên cứu tập luyện và đánh thử nghiệm trên chiến trường, đêm 18-4-1950, đồng chí Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy tổ du kích bí mật tiếp cận tháp canh. Các chiến sĩ dùng mìn phá tường (gọi là FT) cho nổ tạo ra lỗ hổng, sau đó đưa tiếp một loại mìn khác (gọi là pêta) cho nổ từ bên trong. Kết quả, tháp canh bị sập. Cách đánh tháp canh cầu Bà Kiên nhanh chóng được phổ biến trên toàn chiến trường. Cách đánh này được bộ đội ứng dụng rộng rãi trong đánh lô cốt, cầu cống, đồn bốt, kho tàng, hình thành một chiến thuật tiến công đặc biệt - cách đánh đặc công.
Những năm từ 1949 đến 1954, đồng chí Bùi Cát Vũ đảm nhiệm chức vụ Tỉnh đội phó - Tham mưu trưởng Tỉnh đội Biên Hòa. Năm 1954, đồng chí tập kết ra miền Bắc, đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 311, Sư đoàn 330 và được cử đi đào tạo pháo binh tại Liên Xô.
Năm 1955, đồng chí bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Khoa học quân sự chuyên ngành pháo binh. Sau khi về nước, đồng chí nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tác huấn, Tư lệnh Pháo binh Sư đoàn 330 (1955-1957).
Năm 1957, đồng chí được cử đi học tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng. Năm 1958, đồng chí tiếp tục đi học tại Học viện Pháo binh Trung Quốc. Hoàn thành khóa học, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó phòng Huấn luyện Trường Sĩ quan Pháo binh (1959-1961). Từ năm 1961 đến năm 1964, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Pháo binh Trường Cán bộ Trung - Cao.
Năm 1964, đồng chí trở lại chiến trường miền Nam. Những năm từ 1965 đến 1972, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó phòng Tác huấn Bộ Chỉ huy Miền1, Tư lệnh Pháo binh Miền. Từ năm 1972 đến năm 1973,đồng chí là Tham mưu phó Miền, kiêm Tư lệnh Đoàn Pháo binh Miền.
Gần 10 năm lăn lộn trên chiến trường trọng điểm (Biên Hòa), cửa ngõ sào huyệt địch (Sài Gòn), đồng chí có nhiều đóng góp xây dựng lực lượng pháo binh Miền không ngừng lớn mạnh và lập được nhiều chiến công xuất sắc; nhất là trong các chiến dịch lớn như: Bình Giã (2-12-1964 - 3-1-1965), Đồng Xoài (10-5-1965 - 22-7-1965),… Trong Xuân Hè năm 1972, Tư lệnh Pháo binh Miền Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy hỏa lực. Trước giờ khai hỏa, đồng chí yêu cầu các bản kế hoạch hỏa lực phải được chuyển xuống các trận địa cho pháo thủ số 1 ghi lên lá chắn. Đồng chí cũng trực tiếp gọi điện kiểm tra từng cán bộ tiểu đoàn về việc quán triệt nhiệm vụ trận đánh và kế hoạch hỏa lực qua từng giai đoạn bắn. Các tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng đều túc trực trên đài quan sát, sẵn sàng chỉ huy bắn. Ngày 13-4-1972, các trận địa pháo nhất loạt khai hỏa, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, bắn máy bay địch. Phối hợp cùng Sư đoàn bộ binh 9 và Trung đoàn 1, Sư đoàn bộ binh 5 chia làm hai cánh tiến sau xe tăng, đánh vào thị xã An Lộc theo hướng Tây và hướng Đông. Ngày 20-4-1972, trận đánh kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 6, Ban Chỉ huy Lữ đoàn 1 dù và trận địa pháo 4 khẩu của địch…
Chiến công nối tiếp chiến công, trong nhiều trận đánh đồng chí Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy kéo pháo vượt Trường Sơn sang đất Lào, Campuchia phối hợp với bạn đánh Mỹ. Sự phối hợp của pháo binh Miền với các lực lượng đạt hiệu quả rất cao. Vì thế, đồng chí có biệt danh “Trùm đại bác Đông Dương”. Sang năm 1973, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh phó Đoàn 301. Năm 1975, với trách nhiệm Tư lệnh phó Quân đoàn 4 (1975-1980), đồng chí Bùi Cát Vũ cùng Tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn (30-4-1975).
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1979, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp bạn Campuchia, đồng chí Bùi Cát Vũ tiếp tục cùng Quân đoàn 4 đánh tan các cuộc xâm lấn biên giới của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, tham gia trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp cùng lực lượng vũ trang cách mạng Capuchia giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, giúp bạn hồi sinh đất nước. Đồng chí là người đầu tiên điện về báo với Trung ương là bộ đội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn đẩy lùi tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari. Năm 1980, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia trở về nước, đồng chí Bùi Cát Vũ được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7. Năm 1983, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1990, ở tuổi 66, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Là vị tướng chiến trường, Tiến sĩ Khoa học quân sự, đồng chí Bùi Cát Vũ đồng thời còn là nhà báo, nhà văn có nhiều tác phẩm giá trị lâu dài trong lòng bạn đọc. “Tay súng, tay bút”, trên mỗi chặng đường chiến đấu, đồng chí đều mải mê viết. Thời gian ở Chiến khu Đ, nhất là mỗi dịp tết đến, đồng chí đều có bài viết được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam. Đồng chí cũng xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như: “Quê hương”, “Đường vào Sài Gòn”, “Trong rừng sâu Chiến khu Đ” và thiên ký sự “Đường vào Phnôm Pênh” đã nhận được giải thưởng cao nhất của văn học Quân đội. Sau khi nghỉ hưu, từ nguồn cảm hứng những năm tháng tuổi trẻ kiếm sống ở Sài Gòn, đồng chí cảm thấy rất cần sách văn học cho thiếu nhi nên đã viết cuốn truyện cũng lấy tên là “Gió bụi Sài Gòn”. Tác phẩm được giải thưởng Cuộc thi văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ. Năm 1993, tác phẩm nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2002, do bệnh nặng, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ đã qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí ra đi để lại sự nghiệp với nhiều dấu ấn đáng trân trọng trong chiến đấu, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự và sáng tác văn học. Những năm tháng cống hiến cho cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 3 Huy chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét