Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Khắc phục tình trạng cán bộ né việc

 

Thời gian qua, tình trạng cán bộ né việc, né trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội đất nước, gây bức xúc trong xã hội. Để giải quyết tình trạng chây ì, né việc, né trách nhiệm trong cán bộ, công chức hiện nay, nên nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Cần phải chọn bằng được những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giao trọng trách. Muốn vậy thì phải thực hiện tốt quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Công tác cán bộ có sạch thì Đảng mới mạnh, tổ chức mới mạnh, công việc mới thông, quốc gia mới phát triển.

Thứ hai, cần thường xuyên xem xét, sửa đổi các luật, các quy định không phù hợp với thực tiễn, để luật mang tính khả thi cao, tránh rủi ro cho đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ.

Thứ ba là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Chọn cán bộ tốt đồng thời cũng phải có phương pháp và quy định để đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Một cán bộ tốt nhưng được giao vào một vị trí công việc chưa phù hợp cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó. Nếu cán bộ giữ vị trí chủ trì thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của cơ quan, đơn vị.

Do vậy, cần giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho cơ quan, đơn vị và cho cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị ấy một cách rõ ràng. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì cần xem xét điều chuyển cán bộ ấy sang một vị trí khác, chọn người khác phù hợp hơn. Việc giao chỉ tiêu và quy trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có tác dụng rất lớn đến việc đốc thúc để công việc chạy.

Thứ tư là đối với cán bộ trong diện quy hoạch, được luân chuyển công tác, cần xem xét kỹ chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí luân chuyển. Không nên để tồn tại tâm lý “án binh bất động” trong một bộ phận cán bộ thuộc diện quy hoạch được luân chuyển để thử thách. Chính thời gian luân chuyển này là cơ hội để cán bộ thể hiện rõ năng lực, nhiệt huyết cống hiến của mình, từ đó tổ chức mới sắp xếp cán bộ theo quy hoạch.

Thứ năm là cần xây dựng và áp dụng các công cụ để định lượng, đánh giá một cách chính xác, khoa học chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hiện nay, công tác đánh giá cán bộ còn cảm tính, chưa có các công cụ để đo lường hiệu quả chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Ở những nơi công việc bị tắc nghẽn, chậm trễ thì cán bộ vẫn có thể được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Người cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn sẽ tạo ra niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền, làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền không hoài nghi, dao động trước những quyết định của mình. Từ đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn có bầu không khí sôi nổi, tự tin trong mọi hoạt động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét