Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Phòng, chống “tự suy thoái” trong đảng viên không gương mẫu

 

  Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân tin yêu gọi là “Đảng ta”. Bởi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dù khó khăn gian khổ đến đâu thì đảng viên của Đảng đều nêu cao tinh thần gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do những cán bộ, đảng viên này không gương mẫu, dẫn đến “tự suy thoái”. Để tăng cường trách nhiệm nêu gương, đẩy lùi nguy cơ “tự suy thoái” của cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, tự nguyện nêu gương mọi lúc, mọi nơi, phải coi nêu gương là một biện pháp cơ bản để củng cố lòng tin của Nhân dân và đẩy lùi những hạn chế, khuyết điểm của bản thân; trước hết, phải nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, việc gì có lợi cho Nhân dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại cho Nhân dân phải hết sức tránh. Thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, gần gũi quần chúng, “ít lòng ham muốn về vật chất” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải ra sức học tập và làm theo tác phong nêu gương của Người, nêu gương trong mối quan hệ với mình, với người, với việc; tiến hành thường xuyên, liên tục; thực chất chứ không hình thức. Đó là yêu cầu cơ bản để việc nêu gương phát huy tác dụng trong công tác và cuộc sống, chiếm được lòng tin yêu của nhân dân. Đồng thời, phải động viên, nhắc nhở người thân của mình thực hiện, như vậy mới không sợ “há miệng mắc quai” và nhân dân mới tin tưởng.

Hai là, thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; tuyên truyền nhân rộng gương “người tốt, việc tốt” như phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các quy định về nêu gương. Đồng thời, phát hiện, xử lý nghiêm những người thiếu gương mẫu, vi phạm các quy định, kỷ luật của Đảng, của tổ chức, đoàn thể, kiên quyết không có vùng cấm để răn đe, cảnh tỉnh những cán bộ, đảng viên khác. Duy trì chặt chẽ chế độ tự phê bình và phê bình, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Gắn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên và nhận xét, đánh giá, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ với kiểm điểm tự phê bình và phê bình việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác “tự soi”, “tự sửa” thường xuyên trong công việc hằng ngày, mọi lúc, mọi nơi, từ tư tưởng, nhận thức đến hành động, từ việc lớn đến việc nhỏ,… qua đó kịp thời thấy rõ và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, ngày càng hoàn thiện bản thân.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm phát huy được ưu điểm, phát hiện và ngăn ngừa hạn chế, khuyết điểm, không để cho hạn chế, khuyết điểm kéo dài, gây hại cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho bộ máy luôn trong sạch. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung phải toàn diện, song cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là sự gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, v.v. Phát phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ, ủy ban kiểm tra các cấp, của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp và Nhân dân đối với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét