Trong không gian Nhà triển lãm mỹ thuật số 16 Ngô Quyền, Hà Nội, triển lãm “Nam Tước - Hồn của đất” như một không gian thu nhỏ về đất, về nước, về những câu chuyện đời thường được kể bằng ngôn ngữ của gốm.
Từng tác phẩm gốm, với những đường nét mềm mại, uyển chuyển, như những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ của đất sét. Mỗi tác phẩm đều mang một hồn cốt, ý nghĩa riêng; tất cả cùng nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về tài năng và tâm hồn của nghệ nhân Trần Nam Tước.
Triển lãm gốm “Nam Tước - Hồn của đất” là không gian nghệ thuật, giao lưu, trao đổi giữa nghệ nhân và công chúng yêu gốm. Qua đó, giúp mọi người hiểu thêm giá trị truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam. Triển lãm đã trưng bày 140 tác phẩm gốm, từ gốm “Sông Quan” ứng dụng cho sân vườn và trang trí nội thất, đến những bức tranh gốm kể chuyện đầy màu sắc và sự giao thoa giữa gốm Bát Tràng với văn hóa thờ Mẫu. Với ba chủ đề chính bao gồm: Gốm “Sông Quan”, “Gốm và sơn mài”, “Chất liệu gốm Bát Tràng”, triển lãm cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa đất, lửa và men, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của gốm truyền thống Việt Nam dưới góc nhìn đương đại.
Hành trình từ người “phiêu bạt” đến nghệ nhân nổi tiếng
Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, từ năm 17 tuổi, Trần Nam Tước đã phiêu bạt khắp nơi và làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Nhưng ngày đặt chân về làng gốm Bát Tràng chính là định mệnh giúp người nghệ nhân bén duyên với gốm. Nghệ nhân chia sẻ, anh chọn gốm là vì nó đại diện cho một dân tộc, thể hiện được chiều sâu văn hóa của dân tộc đó. Gốm còn giúp anh định hình giá trị văn hóa qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, gốm trở thành một trong những ngôn ngữ của anh, giúp anh truyền đạt cảm xúc đến với công chúng. Với đôi tay của nghệ nhân Trần Nam Tước, đất sét vô tri có thể biến thành những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc.
Trước khi thành công, người nghệ nhân ấy đã phải trải qua nhiều khó khăn và thất bại. Anh kể, khi mới chập chững làm nghề, anh thường đi xin nung nhờ nhà người quen, chứ không có xưởng của riêng mình. “Gốm rất khó làm, nhưng càng khó thì người làm nghề càng bị cuốn hút. Nghề gốm không chỉ là một nghề, mà còn là một cuộc hành trình đầy cảm xúc." - Anh chia sẻ.
Với đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ, nghệ nhân Trần Nam Tước không ngừng sáng tạo trên hành trình nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng và tham gia trùng tu, phục chế nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng như: “Cổng Nghi Môn”, “Linh nghê”, “Kỳ lân”… Năm 2023, triển lãm “Linh thú ngày nay” của anh từng gây sốt trong giới nghệ thuật với những tác phẩm điêu khắc gốm độc đáo, tái hiện hình ảnh các loài vật linh thiêng trong văn hóa Việt Nam như “Rồng bay”, “Ngựa chầu”, “Cá rồng”... Thành công của triển lãm này đã khẳng định tài năng và sự sáng tạo của nghệ nhân Trần Nam Tước; thôi thúc anh về những dự án mang đậm tinh hoa dân tộc.
Từ đó, triển lãm "Nam Tước - Hồn của đất" đã được ra đời, tiếp nối hành trình lưu giữ và bảo tồn văn hoá Việt.
Tiếng đất vọng qua từng tác phẩm
Đến với triển lãm, khách tham quan như được hòa mình vào không gian độc đáo của các loại hình gốm. Mỗi tầng chủ đề tương ứng với các giai đoạn lớn trong cuộc đời của nghệ nhân, mang đến công chúng những góc nhìn khác nhau về gốm sứ, đồng thời khám phá thêm nhiều nét văn hoá đặc sắc đậm hồn cốt Việt. Các tác phẩm trong triển lãm được nhiều khách yêu thích như “Về đâu?”, “Trưng Vương”, “Chim cá”… đều mang đậm hơi thở nghệ thuật, giao thoa giữa thẩm mỹ truyền thống và đương đại.
Nổi bật trong triển lãm là tác phẩm “Trâu”, một sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân của nghệ nhân Trần Nam Tước. Hình ảnh con trâu - biểu tượng của sức mạnh, của sự cần cù, chịu khó - được tái hiện một cách sinh động và đầy cảm xúc. Qua đó, nghệ nhân Trần Nam Tước không chỉ muốn tôn vinh giá trị của con trâu trong văn hóa nông nghiệp Việt Nam mà còn muốn gửi gắm thông điệp về sự cần cù, kiên trì trong cuộc sống. Để tạo ra tác phẩm này, nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật đắp nổi kết hợp với kỹ thuật chạm khắc, tạo nên một tác phẩm vừa có sự mạnh mẽ, vừa có sự mềm mại.
Chia sẻ về cảm nhận khi được tham quan và ngắm nhìn các tác phẩm trong triển lãm, bạn Mai Khánh Ly, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Triển lãm như một hành trình khám phá nghệ thuật đa dạng. Với 3 tầng trưng bày, mỗi tầng mang đến một góc nhìn khác nhau về gốm sứ. Điều khiến tôi ấn tượng là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong các tác phẩm. Đặc biệt, chủ đề “Chất liệu gốm Bát Tràng” đã khơi gợi trong tôi niềm tự hào dân tộc. Nghệ nhân Trần Nam Tước đã thổi một làn gió mới vào gốm Bát Tràng, tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân”.
Tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống
Trần Nam Tước đã sử dụng đất sét như một ngôn ngữ giao thoa của nghệ thuật truyền thống và đương đại để truyền tải những thông điệp sâu sắc đến người xem. Anh thực hiện một cách khéo léo để không gặp phải vấn đề “hàng chợ hoá di sản”, làm mất đi bản sắc truyền thống.
“Gốm Việt có một hồn cốt riêng, cần được gìn giữ và phát huy. đồng thời kết hợp với những yếu tố hiện đại để tạo ra những sản phẩm gốm vừa mang tính truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Bản chất của người Tây có công thức phong cách làm gốm riêng biệt từ lâu. Song tôi không muốn làm theo người Tây, tôi thay thế bằng hạt thóc, làm khéo léo nhất có thể để tạo nên những sản phẩm vừa đẹp về kỹ thuật nhưng vẫn đạt hiệu quả trong cách sản xuất. Điều đó giúp tôi nói lên nền văn minh lúa nước của dân tộc, để các bạn có thể hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc", nghệ nhân Trần Nam Tước nhấn mạnh.
Bài và ảnh: MAI ANH
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét