Hà Lâm Kỳ sinh năm 1952, người dân tộc Tày, quê ở xã Đại Lịch (Văn Chấn, Yên Bái), trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1972, khi đang học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên), Hà Lâm Kỳ lên đường vào Nam chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1976, ông trở về tiếp tục học hết đại học, sau đó giảng dạy tại trường cao đẳng sư phạm, làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn; Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái; hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng

Nhà văn Hà Lâm Kỳ (thứ ba, từ trái sang) giao lưu với độc giả trẻ. Ảnh: NGUYỄN HỒNG 

Được biết đến trước hết là nhà văn có nhiều tác phẩm hay viết cho thiếu nhi, thông qua những hình tượng thiếu niên tham gia đánh giặc Pháp xâm lược, được xây dựng tinh tế, giàu chất thơ, tràn đầy tính lý tưởng như: Lồng, Liên, Thọ, Nhạn, Thảo, My Say... (trong các tác phẩm “Kỷ vật cuối cùng”; “Chim ri núi”; “Gió Mù Căng”), Hà Lâm Kỳ đã làm nổi bật tinh thần yêu nước, yêu dân, yêu Đảng, yêu cách mạng của thế hệ trước, lấy đó làm bài học giáo dục cho hôm nay.

Đặc điểm nhân vật lịch sử thiếu nhi của ông luôn được xây dựng với tâm hồn trẻ thơ trong vắt như suối đầu nguồn, thơm như hương quế, hương cau, đồng thời cũng là những chiến sĩ anh dũng, bản lĩnh. Truyện dài “Kỷ vật cuối cùng” (giải C Giải thưởng sáng tác về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, năm 1991) viết về thiếu niên Hoàng Văn Thọ, một tấm gương ngời sáng về lòng yêu quê hương, về ý chí sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Nhiều bạn đọc thời ấy đánh giá nhân vật Hoàng Văn Thọ là “Kim Đồng của Hoàng Liên Sơn”. Tác phẩm có sự tác động lớn để Nhà nước truy tặng người thiếu niên ấy danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1998). Từ đó, trên quê hương Đại Lịch tự hào có ngôi trường mang tên Hoàng Văn Thọ. Nhân vật cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của văn học, nghệ thuật địa phương.

Mảng văn xuôi viết trong thời đánh Mỹ (tiêu biểu là tác phẩm “Vượt rừng”; “Làng nhỏ”) mang đậm tính tự truyện, kể chuyện mình thấy, mình nghe, mình biết bằng cảm xúc của người lính Cụ Hồ về tình đoàn kết quân dân vô tư, trong sáng, về tình đồng chí ruột thịt... Cách miêu tả đậm chất thơ nhờ lời văn giàu hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ gợi tả, trong hình tượng nồng nàn cả cái tình người viết. Theo dòng hồi tưởng, từ núi rừng Tây Nguyên, nhà văn “bắc cầu” đưa bạn đọc trở về miền núi rừng Tây Bắc thật sống động với một thế giới của các loài chim: Yểng, vẹt, họa mi, khướu, sáo mỏ vàng, sáo mỏ trắng, ri, quạ, chích lửa... Nhất là hoa, thực sự có hẳn một “từ điển” về các loại hoa rừng. Hà Lâm Kỳ là một trong số ít nhà văn viết hay, sinh động về cảnh vật núi rừng.

“Cánh cung đỏ” là tiểu thuyết thành công mới của ông viết về cuộc cách mạng ở vùng quê Yên Bái trong khoảng thời gian 1942-1952 với cả một hệ thống nhân vật. Họ là những chiến sĩ cộng sản bền bỉ, kiên trì, dũng cảm với một niềm tin tất thắng, trong những ngày đầu cách mạng gian lao đã đi vào nhân dân tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng và tiến hành kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Thái... đoàn kết muôn người như một, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa, đánh đuổi giặc xâm lược. Ngoài giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (năm 2020), tên tiểu thuyết được Tỉnh đoàn Yên Bái lấy làm tên giải thưởng (Giải thưởng Cánh cung đỏ) tuyên dương những tấm gương cán bộ, đoàn viên tiêu biểu của tỉnh nhà.

Cấu trúc nền móng của văn xuôi Hà Lâm Kỳ là cuộc sống nhân dân vùng Tây Bắc với những lớp phong tục, tập quán lâu đời, là hình ảnh núi rừng, sông suối thơ mộng, lấy đó làm cơ sở để nhà văn kiến tạo cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, tạo cho tác phẩm đậm đà bản sắc văn hóa. Đi theo xu hướng đa thể loại có thần thoại, cổ tích, viết lại cổ tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, thơ, vè... như mâm cỗ nhiều món hấp dẫn, văn xuôi Hà Lâm Kỳ mời gọi, chinh phục được người đọc. Ông là một gương mặt đáng chú ý của văn học vùng núi Tây Bắc, góp phần làm cho vườn hoa văn hóa dân tộc thêm rực rỡ, tốt tươi.

THANH MAI

nguồn báo quân đội nhân dân