Những năm qua, sự phủ định, xuyên tạc của các thế lực thù địch về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gây ảnh hưởng lớn đến vai trò nền tảng tư tưởng của Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ XHCN ở nước ta. Trên cơ sở phân tích âm mưu, thủ đoạn, cách thức xuyên tạc của các thế lực thù địch, những thành tựu và hạn chế của việc nhận diện các thế lực thù địch chống phá xuyên tạc các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất giải pháp đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kịp thời, hiệu quả.
1. Mở đầu
Nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng, xóa bỏ chế độ XHCN, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt và khó nhận diện. Một trong những nội dung chúng tập trung xuyên tạc đó là những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự chống phá thâm độc của các thế lực thù địch gây ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc chỉ rõ, nhận diện đúng những thủ đoạn, cách thức mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó nhận rõ những thành tựu, hạn chế trong công tác này để có những biện pháp phù hợp, hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
2. Khái niệm nhận diện các thế lực thù địch trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiện nay ở nước ta có nhiều cách hiểu về “các thế lực thù địch”. “Các thế lực thù địch” được hiểu là cá nhân, tổ chức có âm mưu, hành vi gây tổn hại đến chủ quyền, lãnh thổ và các lĩnh vực khác của Việt Nam, trái với những quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; có âm mưu, hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; gây ảnh hưởng đến lợi ích đất nước, nhân dân. Hay, “Các thế lực thù địch là tất cả những ai, cá nhân hay tổ chức, Nhà nước hay phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp pháp, ở trong nước hay ở ngoài nước, người Việt Nam hay người nước ngoài... với mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có hoạt động chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị đều là thành phần của “các thế lực thù địch”…
Như vậy, “các thế lực thù địch” là cá nhân, nhóm người, tổ chức có xu hướng đối nghịch, chống phá, kìm hãm, cản trở sự phát triển của Việt Nam, có âm mưu, hành vi gây tổn hại đến chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc và nhân dân nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “các thế lực thù địch” có thể là cá nhân, nhóm người, tổ chức chính phủ hay phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp pháp, ở trong nước hay ngoài nước… có âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; có âm mưu và hành động đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.
Nhận diện các thế lực thù địch trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay là việc nhận thức đúng, hiểu rõ về đặc điểm, bản chất, âm mưu, thủ đoạn, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, phản biện những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tìm ra những biện pháp đấu tranh phù hợp, để phản bác một cách thuyết phục những quan điểm sai trái, thù địch; để chiến thắng, hoặc khuất phục, cảm hóa họ trở thành lực lượng của ta, hoặc có những giải pháp buộc họ phải tôn trọng, thừa nhận giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những điều kiện có tính nguyên tắc.
“Các thế lực thù địch” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cá nhân, tổ chức (ở trong nước hay nước ngoài), quốc gia - dân tộc có sự đối lập về hệ tư tưởng, thù địch về chính trị, có cái nhìn cực đoan, phiến diện, sai lệch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nghĩa này, các thế lực thù địch bao gồm cả những người có ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa Mác ở các nước tư bản. Trong đó có một số đối tượng là người gốc Việt sống lưu vong ở nước ngoài; và một bộ phận sinh sống trong nước hoạt động một cách “bí mật”, hoặc núp bóng dưới danh nghĩa tri thức (luật sư, nghệ sĩ…). Một số khác từng là những cán bộ, trí thức nhưng do nhận thức sai lệch, hoặc bị mua chuộc, lôi kéo, bị xuống cấp về đạo đức, thoái hóa, biến chất dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị “tha hóa” về ý thức chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và trở thành những kẻ “phản bội” Đảng, đất nước và nhân dân...
3. Thực trạng nhận diện các thế lực thù địch trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Về hiệu quả nhận diện
Thứ nhất, chúng ta đã nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn, luận điệu công kích, xuyên tạc, bài xích của các thế lực thù địch
Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết, các thế lực thù địch ra xuyên tạc, cho rằng những lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là lý luận về CNXH: đã lỗi thời và là sai lầm. Bởi, theo chúng, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với điều kiện kinh tế - xã hội ở Châu Âu nên không còn phù hợp với thời đại hiện nay, nhất là ở Việt Nam..;
Hai là, các thế lực thù địch phủ nhận thế giới quan triết học duy vật biện chứng, phép biện chứng duy vật, phủ nhận quan điểm duy vật về lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, cho rằng lịch sử không hề có quy luật và con người không thể nắm bắt được quy luật xã hội, nên lý giải về sự vận động phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm và con đường đi lên CNXH không phải là tất yếu lịch sử; phủ nhận quan điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời đại hiện nay, cho rằng thời đại ngày nay không còn đấu tranh giai cấp và quan điểm về chuyên chính vô sản của Lênin là bạo lực, cực đoan và sai lầm; “quy chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan”…;
Ba là, chúng đưa ra những quan điểm xuyên tạc về CNXH khoa học, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, như: chúng cho rằng CNXH khoa học chỉ là ảo tưởng; giai cấp công nhân không có vai trò là giai cấp tiên phong, lãnh đạo, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chỉ là “mị dân”; rằng CNXH là sai lầm của lịch sử, CNXH đã cáo chung, và Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là sai lầm, là đi theo vết xe đổ của Liên Xô…;
Bốn là, chúng phủ nhận các giá trị của kinh tế chính trị học Mác - Lênin, như phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư, cho rằng giai cấp tư sản không bóc lột giai cấp công nhân; học thuyết giá trị thặng dư không còn phù hợp trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rằng bóc lột giá trị thặng dư làm cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng và CNTB chưa giãy chết; rằng lý luận về hàng hóa sức lao động của C.Mác cũng đã lỗi thời vì máy móc, tự động hóa đã làm thay đổi tính chất quan hệ giữa lao động quá khứ và lao động sống…
Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch tập trung chĩa mũi nhọn xuyên tạc công lao, cuộc đời, sự nghiệp của Người nhằm bôi nhọ hình ảnh của một lãnh tụ vĩ đại trong đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Chúng cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam là khiên cưỡng, là không phù hợp, là một “sai lầm của lịch sử”. Hoặc, chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; xuyên tạc rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản; thậm chí, chúng quy kết rằng Người “có tội với lịch sử dân tộc bởi chính Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên tiếp nhận và phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản”; rằng “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp đã gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm” cho dân tộc Việt Nam; rằng Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH…
Thứ hai, chúng ta đã nhận diện được những cách thức hoạt động của các thế lực thù địch
Các lực lượng chuyên trách của Việt Nam đã nhận diện ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời nhiều nội dung phủ nhận, xuyên tạc giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những tin bài trên vlog, blog, chương trình trên các website đặt ở nước ngoài, trên các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, các đài phát thanh BBC, VOA tiếng Việt, Đài Á Châu tự do RFA…
Lực lượng chức năng của Việt Nam nhận diện, cấm lưu hành và thu hồi không ít các ấn phẩm như sách, truyện, hồi ký… mà các thế lực thù địch xuất bản với nội dung phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH hiện thực; ca ngợi, thổi phồng các giá trị của CNTB, coi đó là kiểu mẫu, tuyệt đối hóa những ưu điểm, cố tình bỏ qua, hoặc “làm ngơ” với những hạn chế, khuyết điểm mang tính bản chất, cố hữu của CNTB… Thí dụ, cuốn sách dịch "Đường về nô lệ" có nội dung đánh đồng CNXH ở Liên Xô với chủ nghĩa phátxít; và hai tác phẩm thể hiện rõ tư tưởng, thái độ “chống cộng” quyết liệt, đó là tiểu thuyết “Những năm tháng cuồng nộ” của Khuất Đẩu và 1984 của George Orwell (tác giả của tiểu thuyết “Trại súc vật” ám chỉ, vu cáo chủ nghĩa xã hội)…
Ngoài ra, trong nhiều cuốn sách, chúng ta đã nhận diện được nhiều luận điểm thể hiện rõ sự xuyên tạc, phủ nhận những giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh, với những nội dung xuyên tạc, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng những từ ngữ ác ý, cay độc; các ấn phẩm, tài liệu chứa đựng những thông tin sai lệch về Hồ Chí Minh, phủ nhận tư tưởng, đạo đức, công lao, xuyên tạc đời tư của Người.
Thứ ba, chúng ta đã có những phương thức, biện pháp tích cực, chủ động xuất bản nhiều sách, báo, tạp chí, hội thảo, tọa đàm vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lý luận đã tích cực viết bài, thực hiện các đề tài, xuất bản sách nghiên cứu lý luận và tổ chức các hội thảo, tọa đàm vạch trần các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, phát huy vai trò cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của cơ quan, đơn vị, nhà trường, viện nghiên cứu… trong nhận diện các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Báo chí cũng là phương tiện chủ lực góp phần nhận diện các thế lực thù địch, những âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, hầu hết các tạp chí khoa học xã hội, lý luận chính trị, các báo đều có các chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… như Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Tuyên giáo, Lịch sử Đảng, Quốc phòng toàn dân; báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v.. thường xuyên đăng tải những bài viết có nội dung phân tích, luận giải, làm rõ những giá trị bền vững, tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với số lượng tin, bài ngày càng tăng, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Đây là kênh thông tin chủ lực trong việc nhận diện, chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn, luận điệu của các thế lực thù địch phủ định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một số khó khăn, hạn chế của việc nhận diện các thế lực thù địch
Thứ nhất, vẫn còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời nhận diện trước một số nội dung, luận điệu xuyên tạc về những giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch
Những âm mưu, luận điệu phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc, bác bỏ lý luận về CNXH của các thế lực thù địch rất đa dạng, phức tạp, thường ít thể hiện một cách công khai, trực tiếp mà có sự che đậy rất tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn trong nhận diện. Trong đó, việc “đan cài” những quan điểm đúng - sai, thật - giả, hay thổi phồng tính hợp lý của các luận điệu lên khiến nhiều người không nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ về nội dung này.
Các thế lực thù địch thường lồng ghép, “ẩn giấu” phía sau ngôn ngữ văn học, thơ ca bằng những câu chuyện phản ánh cuộc sống bình thường, những sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội… là cách nhìn tiêu cực, phiến diện, cực đoan, định kiến và tư tưởng phản động, chống đối chế độ, phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH hiện thực, thổi phồng những giá trị của CNTB. Nếu không có một “nhãn quan” chính trị nhạy bén, trình độ nhận thức cao thì khó có thể nhận diện ngay được những âm mưu, thủ đoạn phản động, thù địch này. Chính vì vậy, có những tư tưởng sai trái, thù địch không được nhận diện, ngăn chặn kịp thời. Thí dụ như, cuốn sách “Đường về nô lệ” của F.A.Hayek đã “thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng CNXH ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít; đề cao các giá trị dân chủ của CNTB, phủ nhận hoàn toàn hệ thống triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa của CNXH, phủ định chủ nghĩa Mác, gắn mô hình kinh tế của Liên Xô trước đây với mô hình của chủ nghĩa phát xít, cho rằng tất yếu mô hình đó sẽ dẫn đến nô lệ”.
Lại có quan điểm dựa vào những nghiên cứu về một vài hiện tượng có thực trong đời sống xã hội khiến không ít người ngộ nhận vào tính khoa học của chúng. Thí dụ, cuốn sách “Sự kết thúc của lịch sử” của F.Fukuyama cho rằng, chế độ XHCN ở Liên xô bị tan rã chứng tỏ lịch sử loài người không vận động theo các quy luật mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin tiên đoán và luận giải. Ông ta kết luận, lịch sử nhân loại đã dừng lại, CNTB là giai đoạn phát triển tột cùng của lịch sử và sẽ tồn tại vĩnh viễn. Sau khi cuốn sách của F.Fukuyama được xuất bản, hàng loạt công trình thể hiện quan điểm của nhiều trường phái tư tưởng, triết học, xã hội học tư sản hiện đại đã được công bố nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phê phán CNXH hiện thực... Tương tự, cuốn sách “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” của S.Huntington đã biện giải cho rằng nền văn minh phương Tây là “độc nhất vô nhị”, “vô giá”…
Ở một số nội dung, luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh, chúng ta còn không nhận diện, đấu tranh kịp thời. Chẳng hạn tháng 02-1983, các thế lực thù địch tung ra 2 bức thư được cho là của Nguyễn Tất Thành gửi đến Tổng thống nước Cộng hòa Pháp xin vào học trường Thuộc Địa năm 1911 và 1912. Trong đó xuyên tạc mục đích sang Pháp năm 1911 của Hồ Chí Minh không phải cứu nước, cứu dân mà chỉ là mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Bức thư này xuất hiện vào năm 1983 nhưng phải đến năm 1987, mới có bài viết phản bác lại đăng trên Tạp chí Cộng sản của tác giả Đinh Xuân Lâm với nhan đề “Cần làm sáng tỏ một số điểm xung quanh lá đơn xin thôi học của Nguyễn Tất Thành”. Chúng ta chủ yếu mới nhận diện, đấu tranh với một số luận điệu trong nghiên cứu và xã hội. Còn nhiều luận điệu cần nhận diện để đấu tranh trực diện chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ hai, phương thức tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã được nhận diện còn chưa đa đạng, sâu sắc
Tuyên truyền, cảnh báo những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để mỗi người cảnh giác, phòng ngừa và bảo vệ giá trị của các nguyên lý, học thuyết khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới sử dụng chủ yếu phương thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị; trên các sách lý luận; báo của Đảng; các tạp chí lý luận chính trị, khoa học xã hội và trên các website, các trang thông tin điện tử của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể… Đây chủ yếu là những kiến thức khoa học mang tính lý luận, nghiên cứu chuyên sâu, hàn lâm, đòi hỏi người đọc phải là những người có trình độ lý luận nhất định, do đó số lượng độc giả không nhiều.
Còn thiếu những sản phẩm phổ biến cảnh báo với hình thức đa dạng, đại chúng, sinh động, thu hút, bắt mắt, dễ đọc, dễ nhớ, dễ tiếp cận cho mọi tầng lớp nhân dân. Còn ít những sản phẩm dưới dạng sách thường thức; chưa có ấn phẩm dưới dạng thơ ca, clip, vlog, hình ảnh, bài viết, các “slogan” trích dẫn câu nói, tư tưởng kinh điển của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh trên các trang mạng xã hội… để thu hút sự quan tâm của công chúng và dễ dàng thâm nhập rộng rãi trong đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân.
Cách thức tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, phòng ngừa các thế lực thù địch; những âm mưu, thủ đoạn đã được nhận diện còn đơn điệu, thuần lý luận, kén độc giả, khó thu hút bạn đọc, hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Do đó, lượng người đọc, tiếp cận còn rất hạn chế, dẫn tới những nội dung tri thức mà các chủ thể cần truyền tải để có thể nhận diện rõ “bạn” - “thù” cũng không đến được rộng rãi các đối tượng công chúng…
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn bất cập, “chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung, phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới…”. Trong nhiều năm gần đây, nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh liên tục bị rút ngắn, thậm chí có tư tưởng xem nhẹ các môn khoa học này ở các cấp học. Đảng ta chỉ rõ: “Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”, chưa thoát khỏi tình trạng “tầm chương trích cú”. Nhiều nội dung còn chồng chéo, thiếu liên hệ, minh họa thực tiễn, thiếu tính thời sự, chậm cập nhật, bổ sung tri thức, những sự kiện mới, dẫn đến thiếu hấp dẫn với người học. Do đó, lập trường tư tưởng, hiểu biết chính trị, nhận thức về giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu và “đối tượng thù” ở nội dung này còn yếu.
4. Giải pháp nâng cao khả năng lực nhận diện các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về sự cần thiết của việc nhận diện các thế lực thù địch trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường quán triệt sâu rộng để mọi cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao nhận thức, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hòng phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó, cảnh giác đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại những âm mưu và hành động xuyên tạc, phủ nhận những giá trị trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nâng cao nhận thức, hiểu biết về giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên được trau dồi lý luận và phương pháp luận khoa học nhằm tạo ra “sức đề kháng tự nhiên”, có khả năng nhận diện, đấu tranh những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về những giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức, phương thức, sử dụng mọi phương tiện cả áp phíc, pano, hình vẽ, tranh biếm họa, tranh cổ động, slogan trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành nhiều hình thức sinh động như sáng tác, phổ biến những bài thơ, bài hát,… có ý nghĩa ca ngợi, phổ biến giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách mới mẻ, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Phát huy hơn nữa vai trò, lợi thế của các ấn phẩm sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, diễn đàn, phim ảnh… trong khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị nhân văn, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Mở các cuộc thi sáng tác truyện ngắn, thơ ca, âm nhạc… để ca ngợi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường viết sách, tạp chí nhằm phổ thông hóa, truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đơn giản, dễ hiểu cho mọi người dân Việt Nam có thể hiểu và nhớ … Qua đó góp phần nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí, internet, mạng xã hội để phổ biến, tuyên truyền nâng cao khả năng nhận diện, “điểm mặt, chỉ tên” những tổ, cá nhân phản động thù địch; phổ biến các nội dung, cách thức nhận diện, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng thù địch nhằm phủ nhận giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần gia tăng những chuyên mục, thông tin phản bác những thông tin xấu, độc, những thông tin không chính xác, bôi nhọ, xuyên tạc quan điểm của Đảng, bôi xấu, hạ thấp uy tín của Đảng, phủ nhận những giá trị trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, giác ngộ quần chúng, định hướng đúng dư luận xã hội về những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về tính đúng đắn của các nguyên lý như: lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, học thuyết giá trị thặng dư, lý luận về thời kỳ quá độ, về nhà nước…
Nhận diện các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, những thế lực chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là việc khó khăn, phức tạp bởi các chủ thể chống phá đa dạng, xuất phát từ nhiều lợi ích, lại tiến hành những cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm, khó lường. Vì vậy, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân để nhận diện trúng, xử lý kịp thời bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét