Vô cùng xúc động khi biết tập 3 và tập 4 bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản. Vậy là cả bốn tập của bộ sách, gồm các bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn,… đăng trên Báo Nhân Dân trong gần ba nhiệm kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư đã đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đọc các bài viết trong đó mà như thấy ông vừa đi xa trở về, trò chuyện thân tình, gửi gắm niềm tin yêu để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới.
Tập 3 và tập 4 của bộ sách ra mắt bạn đọc lần này, gồm những bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn, thư, điện, lời kêu gọi... (gọi chung là bài viết) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân từ năm 2017 đến năm 2024, do Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện. Là tài liệu quý cả trong nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, nội dung hai tập này thể hiện rõ quan điểm, tinh thần trách nhiệm người lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng ta đối với tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tư duy vượt trội mang tầm chiến lược
Mỗi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bối cảnh, mục đích riêng, nhưng đều thể hiện phương pháp tư duy vượt trội, mang tầm chiến lược, được truyền tải một cách dễ hiểu, gần gũi mà sâu sắc như chính con người ông ngoài đời. Điều ấy làm nên sức cuốn hút và sự lan tỏa của các bài viết. Chính vì thế, sau khi tập 1 và tập 2, gồm các bài viết viết từ năm 2011 đến 2017 đăng trên Báo Nhân Dân được phát hành, nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu và thực tiễn, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp hoàn thành tập 3 và tập 4.
Nội dung hai tập sau tập trung vào việc tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng; trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,...
Với cả bốn tập, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ bước phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, trong đó rõ nhất là bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, công bố ngày 15/5/2021 (trang 133, tập 4). Dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, đánh giá cao giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm nổi tiếng này. Đây không phải là vấn đề mới và đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, bài viết. Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn, khách quan và sâu sắc hơn về chủ nghĩa tư bản, nhất là về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với tầm nhìn xa hơn. Tác giả đã lý giải, trả lời một cách thấu đáo các vấn đề: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? Qua đó, tác giả đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới,...
Không chỉ với các bài nghiên cứu mà cả những bài phát biểu, chỉ đạo thực tiễn tại các hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều mang tính lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc. Đó là kết quả lao động sáng tạo không ngừng suốt hơn nửa thế kỷ của một nhà lý luận; là quá trình trải nghiệm thực tiễn sinh động qua các cương vị công tác mà tác giả đảm nhiệm; là ý chí, tình cảm, nhiệt huyết cách mạng thôi thúc bởi một cán bộ có lối sống trong sáng, liêm chính, mẫu mực, trọn đời vì nước vì dân. Các đức tính ấy góp phần làm nên sức cuốn hút và giá trị các bài viết của tác giả.
Đúc rút kinh nghiệm, truyền cảm hứng mạnh mẽ qua mỗi bài viết
Các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có sức lan tỏa bởi giá trị nội dung tư tưởng, mà còn có sức mạnh truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể. Qua các bài viết trong hai tập lần này, người đọc, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, một lần nữa lại có dịp tự soi mình bởi những điều tác giả suy ngẫm, chia sẻ về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; về trách nhiệm của bản thân trước Đảng, trước nhân dân, để tự hoàn thiện mình. Đọc lại bài phát biểu của đồng chí tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, để thấm thía và suy ngẫm về câu nói: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Một dịp khác, ông lại bộc bạch, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
Trong nhiều bài viết, tác giả nói đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống như những lời tâm sự, bộc bạch với bạn bè, đồng nghiệp nhưng vô cùng sâu sắc. Chính bằng cách chia sẻ ấy, những điều trăn trở của người viết đã thấm sâu vào ý thức, hành động của bạn đọc, nhất là cán bộ, đảng viên; từ đó góp phần chuyển biến thật sự trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, việc đổi mới hình thức tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ khóa XV và từng khối hay lĩnh vực, như xây dựng Đảng, Nội chính, Mặt trận Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đã tạo khí thế "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Những bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị này đều được in trong tập 4, không chỉ là định hướng hành động mà còn là căn cứ để các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, các ngành đánh giá, tổng kết, chuẩn bị xây dựng văn kiện đại hội cho nhiệm kỳ tới; là những vấn đề gợi mở để đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng xác định phương hướng cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong những bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm tư duy chiến lược, truyền cảm hứng cho người đọc đối với nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, như phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước; tạo bước phát triển mới trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện trong thời đại mới,…
Một trong những dấu ấn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nghiêm minh và rất nhân văn; kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban được thành lập (sau này là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo Quy định số 32 ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị), công tác này chuyển biến tích cực từng ngày. Là người trực tiếp chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn, như làm đến đâu chắc đến đó, không có vùng cấm, "không có ngoại lệ". Phát biểu tổng kết 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo, ngày 30/6/2022, đồng chí chỉ ra rằng, "Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Việc đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn có ý nghĩa rất lớn cho công tác này. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tiến hành từ sớm từ xa; không chỉ phòng, chống tham nhũng mà phải cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Những bài viết như thế được in trong hai tập lần này là tài liệu quý cho nhiều người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa, nhưng hình ảnh một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, nhà lý luận có tư duy vượt trội vẫn mãi mãi đồng hành cùng đất nước trên con đường đổi mới./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét