Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

NẾU CÁN BỘ NÀO CŨNG VÌ DÂN

 

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII "Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" vừa ban hành được dư luận xã hội đánh giá rất cao, xem đây là đòn bẩy quan trọng, thể hiện quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Người dân đang kỳ vọng rằng, nếu cán bộ từ cơ sở đến Trung ương lúc nào cũng nghĩ cho dân, cho nước thì chúng ta không có lý do gì không tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đổi mới đất nước.

 Nhìn lại 35 năm đổi mới, những thành tựu đất nước có được như ngày hôm nay một lần nữa khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phải nói rằng: Nhiều lãnh đạo từ cấp cơ sở đến Trung ương rất năng động, sáng tạo, luôn đau đáu lo cho dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày một phồn vinh với giải pháp, cách làm tâm huyết như: Các cấp lãnh đạo đẩy mạnh gặp gỡ doanh nghiệp, trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; tham khảo mô hình hay, cách làm sáng tạo ở tỉnh bạn, ngành bạn, đưa về áp dụng ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, cốt yếu là mang lại cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần cho nhân dân, đổi thay diện mạo trên quê hương. Những cán bộ ấy luôn trăn trở cùng dân, lo trước nỗi lo của dân, vui sau niềm vui của dân.

Tuy nhiên, có một bộ phận cán bộ chỉ lo vun vén cho cá nhân, gia đình, “nhóm lợi ích” của mình; tham ô, tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu đến cất nhắc, ưu ái cho doanh nghiệp thân quen, người thân trong gia đình. Số cán bộ này, cái gì có lợi cho mình thì ra sức làm, ra sức bảo vệ; cái gì không thu được lợi cho mình thì thờ ơ, phó mặc.

Cho nên, cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn nghĩ cho dân, cho nước là trên hết, trước hết. Cán bộ cấp xã phải thấy có lỗi với dân khi nhìn dân mình khóc trên ruộng của gia đình do bị doanh nghiệp ép giá; cán bộ cấp huyện phải tự vấn bản thân khi thấy trên địa bàn không thu hút được dự án đầu tư nào, không có một nhà máy, xí nghiệp nào để tạo việc làm cho nhân dân; cán bộ cấp tỉnh phải biết băn khoăn trước dân, trước địa phương khác khi địa phương mình đất rộng, người đông, tài nguyên phong phú mà năm nào cũng phải lên Trung ương xin "cứu trợ", hỗ trợ kinh phí...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét