Tham quan Nhà tù Phú Quốc, tôi chú ý đến bức hình giới thiệu về đồng chí Nguyễn Ngọc Toản (tức Ba Toản), tù binh bị địch bắt trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 tại Sài Gòn và đưa về giam giữ tại đây. Tháng 6-1968, Ba Toản cùng với một số đồng chí vượt ngục thành công và ông ở lại Phú Quốc, xây dựng lực lượng đặc công, tổ chức những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, khiến quân Mỹ, ngụy khiếp đảm.
Từ những thông tin ấy, tôi tìm đến nhà riêng của ông Ba Toản, nguyên Đội trưởng Đội Đặc công Phú Quốc ở ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc (Kiên Giang). Ông kể: "Tôi sinh năm 1938, nhưng các giấy tờ ghi sinh năm 1940, tên thật là Nguyễn Văn Mỹ, quê ở thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Năm 1955, tôi vào công tác trong ngành thực phẩm tỉnh Sơn Tây. Ngày 7-10-1963, tôi nhập ngũ vào Quân đội. Năm 1966, tôi được lựa chọn huấn luyện trinh sát đặc nhiệm tại Trung đoàn 426 thuộc Cục Nghiên cứu (Cục 2), Bộ Tổng Tham mưu.
Cuối năm 1966, tôi cùng với các đồng đội hành quân vào miền Nam chiến đấu. Vào đến Sài Gòn, tôi được biên chế về Đơn vị đặc công trinh sát Y4, hoạt động ở Khu Sài Gòn-Gia Định. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đơn vị đặc công trinh sát Y4 chúng tôi được giao đánh vào Trại Tăng thiết giáp Phù Đổng của địch ở Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Đây là nơi đặt Bộ chỉ huy Binh chủng Thiết giáp kỵ binh của quân đội ngụy Sài Gòn. Trong trận đánh này, chúng tôi đã làm chủ Trại Tăng thiết giáp Phù Đổng gần một ngày, sau đó địch phản kích, chúng tôi chiến đấu đến khi hết đạn và bị địch bắt. Địch tra tấn chúng tôi nhưng không khai thác được gì, sau đó chúng đày chúng tôi ra Phú Quốc".
Tháng 6-1968, Nguyễn Văn Mỹ vượt ngục Phú Quốc thành công và ở lại tham gia hoạt động cách mạng trên đảo, lấy tên Nguyễn Văn Toản, anh em gọi là Ba Toản. Được biên chế vào LLVT huyện Phú Quốc, Ba Toản đề xuất với Huyện ủy và Huyện đội Phú Quốc thành lập Phân đội Đặc công Phú Quốc để đánh đồn bốt, căn cứ quân sự và phục kích địch đồn trú ở địa phương. Ba Toản trực tiếp huấn luyện cách đánh và nghiệp vụ trinh sát đặc công cho Phân đội. Sau hai tháng huấn luyện, tháng 8-1968, Phân đội Đặc công Phú Quốc tổ chức đánh trận đầu, tiêu diệt địch ở đồn Suối Đá. Trận đánh thành công. Sau trận này, Phân đội Đặc công phối hợp với LLVT địa phương đánh địch ở đồn Cửa Cạn. Do công tác hiệp đồng chưa chặt chẽ, trận này ta hy sinh 9 đồng chí. Trước tổn thất đó, một số đồng chí cán bộ phân đội xin về đất liền công tác. Ba Toản ở lại đảo, trực tiếp tổ chức lại Phân đội Đặc công Phú Quốc và làm Phân đội trưởng.
Phân đội Đặc công Phú Quốc do Ba Toản chỉ huy, huấn luyện chu đáo, đã tổ chức nhiều trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, như: Trận đánh đồn địch ở cao điểm 106 (đồi Cây Thông); các đồn: Cây Đa, Bàu Chuối, Gành Gió, Bãi Trong, Bãi Ngoài và các trận đánh vào Nhà máy đèn, Nhà siêu tần số (Trung tâm thông tin), Dinh quận trưởng, Chi khu cảnh sát, sân bay, trung tâm hành chính Phú Quốc. Đặc biệt là trận đánh đồn Ấp Nùng, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch ở đồn vào tháng 1-1975...
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Ba Toản ở lại đảo Phú Quốc tiếp tục xây dựng LLVT huyện đảo. Đến năm 1978, Thượng úy Nguyễn Văn Toản chuyển ngành sang công tác ở UBND huyện, làm Trưởng ban Xây dựng kinh tế mới Bắc đảo Phú Quốc. Năm 1983, Ba Toản nghỉ hưu, song ông vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của Phú Quốc, được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen, giai đoạn 2016-2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét