Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Đổi mới tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển

 

Ngày 12-11, tiếp tục Kỳ họp thứ tám, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Nâng cao vai trò của báo chí chính thống; bảo đảm nguồn thu cho các cơ quan báo chí; giải pháp tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ đã trả lời làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu nêu. Phần trả lời của Thủ tướng đã khép lại hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lần này.

Tập trung đầu tư cho 6 cơ quan báo chí chủ lực

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu đặt vấn đề báo chí cần làm gì để cạnh tranh được với mạng xã hội? Giải quyết bài toán cạnh tranh giữa quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến làm giảm nguồn thu báo chí truyền thống; trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng… Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đặt câu hỏi: Làm thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong nhiều năm nay, báo chí tập trung vào đưa tin nhưng giờ đây mạng xã hội đưa tin nhanh hơn. Vì thế, báo chí muốn giữ vững trận địa của mình phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí với tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin thì cần phân tích, đánh giá, thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện… để dẫn dắt, định hướng xã hội.

Cho rằng, các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, câu hỏi đặt ra lúc này là ứng xử thế nào khi số lượng cơ quan báo chí tăng, song nguồn thu lại giảm? Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Bên cạnh kế hoạch đưa thông tin, các bộ, ngành, địa phương cũng cần bố trí ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và đặt hàng báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, trong dự án sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chính sách về kinh tế báo chí. Quy định này cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, lĩnh vực truyền thông. Bộ trưởng cũng rất mong Quốc hội ủng hộ giao cho Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho cơ quan báo chí chủ lực.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, có nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân-PV) để trở thành sức mạnh truyền thông với những điều kiện, cơ chế đặc thù.

Nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là đối tượng cạnh tranh

Đề cập tới mối quan hệ của báo chí và mạng xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không? Nếu có thì cần hành lang pháp lý như nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận đây là câu hỏi rất hay; đồng thời đặt vấn đề: Thay vì cạnh tranh thì mình có hợp tác được không? “Tôi nghĩ trong thế giới bây giờ đây là cách tốt nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực này mà trong nhiều lĩnh vực”, Bộ trưởng bày tỏ.

Nêu rõ hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện nay, việc hợp tác giữa báo chí với mạng xã hội có hai nội dung đang được tiến hành. Một là hầu hết cơ quan báo chí đều có tài khoản hoặc có trang trên mạng xã hội. Sắp tới khi sửa Luật Báo chí, có thể xem xét trình Quốc hội theo hướng này: Trước đây cứ phải đăng tin trên báo trước rồi mới được phép đưa thông tin đó ra các tài khoản của cơ quan báo chí trên mạng xã hội. Giờ thì có thể xem xét cho xuất hiện trước trên mạng xã hội. Trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng vừa được ký ban hành đã bổ sung quy định các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với cơ quan báo chí. Có những quốc gia yêu cầu các nền tảng xã hội chia sẻ doanh thu với cơ quan báo chí, nếu không thỏa thuận được con số, cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc. “Tới đây, khi sửa Luật Báo chí thì quy định việc này, có nghĩa rằng nên coi mạng xã hội là một đối tượng hợp tác nhiều hơn là một đối tượng cạnh tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập. Để báo chí phát triển trong thời gian tới, cần phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan; tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại; siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay; đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát

Chiều 12-11, sau phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng đàn làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu; trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) đề nghị Thủ tướng thông tin về giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương? Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt vấn đề: Thời gian tới, Thủ tướng chọn vấn đề gì là điểm nhấn quan trọng? Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở Trung ương.

Đưa ra giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng, cần rà soát lại các quy định của pháp luật; thể chế các quy định của Đảng; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… “Chúng ta sẽ rà soát, tính toán lại phân cấp, phân quyền, đi kèm tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến, Thủ tướng cho biết, trong cải cách thể chế thì trọng tâm cải cách là phân cấp, phân quyền. “Ưu tiên hiện nay của nước ta chính là tăng trưởng. Ưu tiên cho tăng trưởng thì phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp”, Thủ tướng thông tin.

Liên quan đến xây dựng thể chế cho quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong đó nhấn mạnh quan điểm: Bây giờ không gian thực như thế nào thì không gian ảo như thế; chúng ta quản lý ở đời thực thế nào thì quản lý trên không gian mạng như thế. Cần bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. “Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý nhưng vừa mở ra không gian đổi mới, sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể luôn luôn phải đổi mới, sáng tạo. Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để chúng ta tiến lên”, Thủ tướng khẳng định.

Nói đi đôi với làm và làm ngay

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau hai ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Nhấn mạnh phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét