Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Quảng Châu - “Căn cứ địa quốc tế” của cách mạng Việt Nam

 

Cuối thế kỷ XIX, cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp tổ chức, lãnh đạo cách mạng. Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, mang theo khát vọng tìm con đường mới để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giúp đồng bào thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ. Từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã đến các nước Pháp, Mỹ, Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở các châu lục, hòa mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa để khảo sát con đường cứu nước, học tập lý luận và tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trong thời kỳ này, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đã đánh dấu bước ngoặt mới, đưa sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức đi theo con đường cách mạng vô sản; đến năm 1920, sau khi Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lê-nin được công bố, đã đánh dấu bước ngoặt căn bản trong phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, Luận cương “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(1), “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2). Cũng từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ánh sáng chân lý thời đại, tìm được con đường cách mạng Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách hoàn toàn và triệt để nhất.

Sau khi trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, năm 1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Thủ đô Moskva, Liên Xô. Những năm tháng hoạt động trên đất nước của Lê-nin là khoảng thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để đi đến nhận thức rằng, chỉ có thành lập một chính đảng mác-xít ở Việt Nam, tiến hành cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản mới có thể giải phóng dân tộc mình khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Thực hiện mong muốn của mình và được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 11-11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Thủ đô Moskva đến Quảng Châu, Trung Quốc với tên gọi Lý Thụy trên danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch trong Phái bộ của cố vấn Bôrôđin, bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn.

Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn đến Quảng Châu, Trung Quốc là một bước đi quan trọng và nằm trong kế hoạch trở về Tổ quốc của Người, đồng thời cũng xuất phát từ những điều kiện khách quan của tình hình lúc bấy giờ.

Trong bức thư để lại cho những người bạn cùng hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa trước khi Người lên tàu rời Pari (Pháp) qua Đức để tới nước Nga Xô-viết vào tối ngày 13-6-1923, Người nói rõ mục đích với những nội dung kế hoạch của mình: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(3). Trong thời gian ở Moskva, Người đã tiến hành nhiều hoạt động để chuẩn bị cho hành trình đến Trung Quốc. Người đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản về mục đích, nội dung của chuyến đi Trung Quốc, đồng thời đề nghị gặp và trao đổi với những nhà lãnh đạo trong Quốc tế Cộng sản nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với các hoạt động cách mạng ở thuộc địa. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho chuyến đi đến Trung Quốc và những hoạt động sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành tìm hiểu để nắm chắc tình hình cách mạng ở đây, nhất là trước tình hình có sự hợp tác đang tiến triển tốt giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng ở Trung Quốc. Vì thế, trong thời gian ở Moskva, Người đã có những liên hệ với cách mạng Trung Quốc nhằm nắm vững tình hình ở Trung Quốc, tranh thủ mọi liên hệ và giúp đỡ khi Người tới Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ của mình(4).

Những năm 1923 - 1927, Quảng Châu - thủ phủ của tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc) là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn ở miền Nam Trung Quốc. Nơi đây có nhiều khu công nghiệp lớn, bến cảng thông thương quốc tế, đồng thời cũng tập trung số lượng lớn công nhân với bề dày đấu tranh mạnh mẽ chống đế quốc, phong kiến và quân phiệt. Phong trào cách mạng Trung Quốc với Quảng Châu làm trung tâm đã thu được nhiều thắng lợi. Thời kỳ này, Quảng Châu được mệnh danh là “Moskva của phương Đông”, thu hút nhiều nhà cách mạng đến từ những quốc gia bị áp bức.  

Tháng 1-1924, tại Quảng Châu, Đại hội lần thứ I của Quốc dân Đảng được tổ chức và tuyên bố thực hiện chủ nghĩa Tam dân mới của Tôn Trung Sơn với ba chính sách lớn: liên Nga, liên Cộng và giúp đỡ công nông; tiếp nhận sự trợ giúp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, cải tổ Quốc dân Đảng với sự giúp đỡ của đoàn cố vấn do Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cử tới. Nội dung mới của chủ nghĩa Tam dân về cơ bản phù hợp với nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở các nước thuộc địa và phụ thuộc nên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú ý, vì thấy nó “thích hợp với điều kiện của nước ta hiện nay”(5).

Những người cộng sản Trung Quốc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quen biết, như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi,... lúc này cũng đã có mặt tại Quảng Châu, tạo ra cục diện quốc - cộng hợp tác, cùng thúc đẩy cách mạng Trung Quốc. Chính vì vậy, Người tin rằng, ở Quảng Châu lúc này nếu kết hợp tham gia hoạt động thực tiễn trong phong trào cách mạng Trung Quốc với thực hiện mục tiêu vận động cách mạng Việt Nam, nhất định sẽ có hiệu quả(6).

Mặt khác, Quảng Châu cũng là nơi trú chân của những nhà hoạt động yêu nước và cách mạng Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, hoặc xuất dương tìm đường cứu nước, hoặc thất bại phải lánh nạn ra nước ngoài. Ðầu những năm 20 của thế kỷ XX, một lớp thanh niên mới đầy nhiệt huyết đã cùng nhau tìm đến Quảng Châu. Lúc này Việt Nam Quang phục hội đang tan rã. Họ cảm thấy thất vọng trước khuynh hướng cách mạng bảo thủ, cũ kỹ của lớp tiền bối và muốn tìm một con đường đi mới. Vì vậy, năm 1922, họ đã lập ra nhóm Tâm Tâm xã, gồm những thanh niên đầy nhiệt huyết và chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào, song vì chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Ðông Dương Méc-lanh ngày 19-6-1924 tại Quảng Châu. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang ở Liên Xô dự Ðại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Người đã thấy “cánh én báo hiệu mùa xuân”, vì vậy, càng nóng lòng trở về Tổ quốc để dẫn dắt và chỉ đạo cách mạng Việt Nam (sau này, những thành viên ưu tú của Tâm Tâm xã đã trở thành hạt nhân của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu năm 1925).

Bên cạnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng, tìm đến Quảng Châu, một địa điểm gần với Việt Nam, sẽ có điều kiện tương đối thuận lợi cho việc triển khai những công việc cần thiết để sớm thực hiện mục tiêu về nước phát triển phong trào cách mạng(7).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét