Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

THAM NHŨNG CŨNG LÀ MỘT THỨ GIẶC

 

Tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Các quốc gia có các điều kiện về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế khác nhau quan niệm về tham nhũng cũng khác nhau. Ở Việt Nam, theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng của các nước trên thế giới, thấy rằng tuy có điểm riêng nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là: Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.

Cũng phải nói thêm rằng, vấn nạn tham nhũng xuất hiện hầu hết ở mọi chế độ xã hội, mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc…trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lĩnh vực công cũng như lĩnh vực tư. Vì vậy, chúng ta phải khẳng định rằng những luận điệu trong thời gian gần đây của các đối tượng phản động, bất mãn cho rằng thể chế chính trị ở Việt Nam sinh ra tham nhũng, hay Đảng “ bao che cho đảng viên tham nhũng, lợi ích nhóm” là hoàn toàn sai trái và phản động và xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đang tiến hành.

Chúng ta cũng đã nhận diện rõ vấn nạn tham nhũng và cho đó là một trong bốn nguyên nhân làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chúng ta đang đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt, bài bản, có chiến lược và bước đi phù hợp và rất kiên quyết, thực tế các vụ án được đưa ra xét xử, những bản án nghiêm minh đã thể hiện phương châm “không có vùng cấm”. Chúng ta cũng tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị to lớn, và sự ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ gặt hài được nhiều kết quả hơn nữa, mang lại niềm tin và góp phần to lớn trong việc làm trong sạch bộ máy công quyền và toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét