Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Đưa gạo, muối lên chiến khu phục vụ kháng chiến

 Để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp, từ đầu năm 1946, quân và dân ta ở miền Bắc bắt đầu di chuyển các cơ sở ra khỏi thành phố về vùng nông thôn và các khu căn cứ. Ngày 20-11-1946, quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Việc chuẩn bị kháng chiến trên phạm vi cả nước trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Quân nhu Cục được lệnh gấp rút di chuyển kho tàng, nguyên liệu ra khỏi thành phố và tổ chức thu mua, dự trữ gạo, muối ở các địa phương. Nhiều kho dự trữ gạo đã được thiết lập ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Đông, Hòa Bình… mỗi kho khoảng 200 đến 400 tấn. Cùng thời gian trên, Quân nhu Cục đã mua và chuyển lên Hòa Bình 2,5 triệu mét vải, 3.000 bao tải bông, 60 kiện sợi… Đó là lượng dự trữ chủ yếu về nguyên liệu quân trang của quân đội ta trước khi bước vào kháng chiến. Quân nhu Cục còn gấp rút chuyển lên Việt Bắc hơn 400 tấn muối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng (khi đó phụ trách Ban Kinh tài Trung ương) trực tiếp lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bác dặn dò đồng chí Nguyễn Lương Bằng tỉ mỉ từ việc chuyển tiền đến việc dự trữ muối đề phòng tình huống đường liên lạc giữa vùng biển và Việt Bắc bị địch cắt đứt, vì gạo, muối là hai nhu cầu thiết yếu đối với nhân dân và LLVT lúc này. Trước giờ nổ súng mở đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Bộ Tài chính đã đưa kho bạc từ Hà Nội về Chi Nê (Hòa Bình) an toàn và tổ chức thu mua thóc gạo, đặt các kho gạo phân tán khắp nơi.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo vận chuyển 20.000 tấn muối ở kho Văn Lý (Nam Định) ngược sông Đáy vào Vân Đình (Hà Đông) qua sông Bùi rồi ngược sông Hồng lên Phú Thọ, Tuyên Quang. Để muối, gạo vượt sông lên Tây Bắc, nhiều địa phương đã phải tạm dỡ kè ngăn tàu chiến, ca nô địch để các thuyền muối đi qua. Từ Tuyên Quang, muối được chuyển lên Lào Cai, Sơn La, Hà Giang sang Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… đến đích an toàn.
Qua ba tháng chiến đấu, đầu năm 1947, hình thái chiến trường đã hình thành vùng tự do do ta làm chủ (trong đó có các căn cứ kháng chiến) và vùng địch tạm chiếm. Kế hoạch tổng di chuyển lên căn cứ Việt Bắc của ta đã cơ bản hoàn thành. Chủ trương của Đảng tiêu thổ kháng chiến, phá hoại gây nhiều khó khăn cho địch. Đặc biệt, nhờ chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Việt Bắc đã trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc của cả nước. Các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, quân đội đã di chuyển an toàn lên Việt Bắc để lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét