Chúng ta đều biết, văn hóa xin lỗi và nhận lỗi là một yếu tố
quan trọng, góp phần làm nên văn hóa ứng xử của mỗi con người. Lời xin lỗi
không đơn giản là biết lỗi và nhận lỗi mà nó còn thể hiện ý thức
trách nhiệm của con người với cuộc sống, biết nhận trách nhiệm của mình đối với
hậu quả do mình gây ra.
Thực tiễn cuộc sống hằng ngày, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi
là một nét văn hóa ứng xử, là hành động cần thiết trong cuộc sống.
Những người biết nói lời "xin lỗi" và biết nhận lỗi
chân thành là những người có hiểu biết, có nhân cách và có trách nhiệm đối với
xã hội. Còn những kẻ không biết xin lỗi, không dám nhận lỗi thường là những người
kiêu ngạo, nhận thức kém, bảo thủ, ích kỷ, cố chấp và ý thức cộng đồng thấp.
Đây là nguyên nhân rất dễ dẫn đến suy thoái về đạo đức lối sống, phai nhạt lý
tưởng, tham ô tham nhũng, tiêu cực...Thời gian qua đã có một số cán bộ
thực hiện sai các quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật, làm những việc có hại
cho dân, khi bị phát hiện thì bao biện, lấp liếm khuyết điểm, hay tìm mọi cách
chạy chọt để được giảm tội. Trong cuộc sống đời thường, nhiều người mắc lỗi lại
không chịu nói lời "xin lỗi", mà còn gây sự, thách thức, làm mất đoàn
kết nội bộ, bất ổn trong khu dân cư, trong đơn vị.
Người Việt Nam từ xưa đến nay đều răn dạy con trẻ phải biết
“cảm ơn” khi được ai đó quan tâm, giúp đỡ và phải biết “xin lỗi” khi mắc phải
những lỗi lầm, khuyết điểm. Đây là nét văn hóa trong phong cách ứng xử của con
người. Biết nói lời xin lỗi là tự nhắc nhở mình trước những sai phạm, đồng thời
hứa với người khác hành động này không còn tái diễn nữa.
Thời gian qua, nhiều tổ chức đảng, chính quyền đã có phong
trào xây dựng nếp sống văn hóa công sở, sẵn sàng xin lỗi dân khi giải quyết các
thủ tục hành chính chậm trễ, thái độ ứng xử chưa đúng mực hoặc có những sai lầm,
khuyết điểm. Những việc làm này đã củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần
xây dựng lề lối làm việc văn hóa, văn minh nơi công sở.
Chúng ta đều hiểu, một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng.
Nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, mong được tha thứ sẽ làm dịu cơn giận dữ hoặc nỗi
đau của người khác. Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc
có thể đã xảy ra, nó giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc
hơn.
Còn nhớ, tại Hội nghị lần thứ X, BCH Trung ương Đảng
khóa II (tháng 11-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ
thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội về những sai sót trong cải cách ruộng
đất. Các kỳ đại hội sau này, Đảng ta cũng dũng cảm nhận một số khuyết điểm
trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, khai mạc ngày 24 tháng 11
năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại Hội nghị, nhiều lần khẳng
định vai trò lớn của văn hóa: "Văn hóa còn thì dân tộc còn". Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng mong muốn sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển
biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới
trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội nghị Văn hóa toàn
quốc đã thành công tốt đẹp, là điều kiện rất tốt nhằm phát triển văn hóa, con
người Việt Nam. Vì thế, xây dựng văn hóa xin lỗi, nhận lỗi chính là góp phần
xây dựng con người mới-con người có tri thức, đạo đức, tinh thần trách nhiệm
cao với xã hội, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét