8. Xây dựng xã hội học tập nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng
những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích
ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Chỉ thị số 11-CT/TW Ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây
dựng xã hội học tập đã yêu cầu: “Vận động Nhân dân tích cực học tập nâng cao
dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công
việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến
tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong
trào làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ
sở”. Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục
thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X yêu cầu: “Nâng cao chất
lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao
động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công
nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục
nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động”.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, xã
hội số, văn hóa số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra
cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XIII đã định hướng: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa
học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành
động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại
nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Để đưa đất nước ta
bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số
quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh xây dựng
xã hội số, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, mở các khóa học đại trà trực
tuyến, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển
đổi số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội
số.
Xây dựng xã hội học tập nhằm đào tạo công dân toàn cầu có kỹ
năng số và ngoại ngữ; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất
lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Xây dựng xã hội học tập nhằm phát huy tối đa nhân tố con người;
nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh
thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc
tế.
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội
dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phát triển con người toàn
diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn
hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát
triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm của Đảng gắn việc phát triển phong trào khuyến học,
khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; với
xây dựng đời sống văn hóa mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác
định rõ: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các
giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,
truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp
nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt
đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri
thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc
con người Việt Nam; Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc,
truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp
nhân dân, nhất là thanh niên; Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn
trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu
cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ
gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực
sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và
"soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con
người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng,
tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách
thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển
theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài và
xây dựng xã hội học tập.
Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Khóa XI
về hội nhập quốc tế có chủ trương lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế
trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giáo dục và đào
tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảngkhóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ đạo: Chủ
động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời
giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất
nước.
Ban Bí thư khóa XII đã kết luận:“Tăng cường hợp tác quốc tế,
nhất là đối với Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO);
nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước,
các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học,
khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Chủ động, tích cực tham gia mạng lưới
"Thành phố học tập" do UNESCO điều hành.
Mở rộng, tăng cường liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo của
nước ngoài có uy tín, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo. Khuyến
khích việc học và nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách
nhà nước. Vận động đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài
đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng: “Xây dựng và
thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào
tạo”; “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các
lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn
hóa, du lịch và các lĩnh vực khác”.
Việc xây dựng xã hội học tập, tự học suốt đời là xây dựng thói
quen mới cho công dân; khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, tâm lý trọng
thi cử, trọng bằng cấp trong giáo dục, đào tạo.
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với việc mỗi công dân ý
thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời. Mỗi
công dân nhận thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc củng cố
quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; từ đó
có ý thức cập nhật tình hình thời sự; tự học tập, rèn luyện để khỏe mạnh hơn,
có chất lượng sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, hội nhập tốt hơn; chủ động hơn, có ý
thức cảnh giác cao hơn để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với việc mỗi công dân xác
định đúng đắn mục đích tự học suốt đời là để không ngừng tiến bộ, để trở thành
công dân toàn cầu. Học để thêm yêu nước, yêu Đảng; thêm tự hào về lịch sử dân
tộc, lịch sử Đảng. Học để có khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc. Học để tu dưỡng đạo đức bản thân, gia đình, dòng họ, để hiểu biết và xây
dựng truyền thống văn hóa dân tộc. Học để tin tưởng vào tương lai đất nước, tin
tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Học để làm việc tốt hơn
và đểhưởng thụ thành quả lao động tốt hơn.
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với việc mỗi cấp ủy, tổ
chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp xác định rõ các nội dung học tập suốt
đời cho cán bộ, đảng viên, thành viên; phát động thi đua, đánh giá, biểu dương,
khen thưởng. Mỗi cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp đều có
chức năng, nhiệm vụ riêng, mục tiêu phát triển riêng nên có yêu cầu riêng đối
với cán bộ, đảng viên, thành viên của mình. Nhìn chung, nội dung học tập mỗi
cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp đều cần đảng viên, thành
viên của mình không ngừng học tập về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ,
phương pháp, kinh nghiệm làm việc và khả năng phối hợp trong tập thể để không
ngừng nâng cao tính kỷ luật của tổ chức, năng suất lao động và phát huy sức
mạnh tổng hợp.
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với tính tiên phong,
gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy trong
việc không ngừng tự học tập, tự cập nhật tình hình thời sự; nghiên cứu lý luận
chính trị; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tuyên truyền, vận động
người thân, gia đình, dòng họ tự học tập suốt đời; quyết tâm xây dựng thành
công xã hội học tập, nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong
bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số để thực
hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét