Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

CHIẾN DỊCH “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” VÀ VAI TRÒ CỦA TÌNH BÁO

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Quân át chủ bài “pháo đài bay” B-52 bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ đã thất bại trên bầu trời Hà Nội. Đóng góp không nhỏ vào kỳ tích này là chiến công của lực lượng tình báo quốc phòng Việt Nam.

Đầu năm 1972, đồng chí Phạm Xuân Ẩn (bí số X6) phân tích nguồn tin và dự báo: “Mỹ sẽ ném bom miền Bắc nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng”. Đồng chí Đặng Trần Đức (Ba Quốc), cán bộ điệp báo của ta tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, cũng đã thu thập và báo cáo tin: Mỹ ném bom miền Bắc không phải để kéo dài chiến tranh mà là để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris. Ngoài nguồn tin điệp báo chiến lược, công tác hỏi cung tù binh cũng góp phần quan trọng. Tháng 6-1972, thông qua hỏi cung phi công Mỹ, Cục Tình báo đã nắm được tin: Mỹ đang tổ chức hiệp đồng giữa máy bay B-52 và các loại máy bay khác để chuẩn bị đánh Hà Nội.

Trước đó, sau Tết Mậu Thân 1968, lực lượng điệp báo ở ngoài nước cũng tổ chức đánh vào sào huyệt, nơi xuất phát của máy bay B-52 tại các căn cứ không quân Mỹ ở Udorn và Utapao, làm hoang mang tinh thần của giặc lái. Cụ thể, cuối tháng 2-1968, hai tổ điệp báo chiến lược do tình báo quốc phòng thành lập lên đường sang Thái Lan, thực hiện kế hoạch tập kích sân bay Udorn và Utapao. Tháng 7-1968, các tổ đã tập kích sân bay Udorn, phá hủy 1 máy bay vận tải C-41, 2 máy bay F-4, 1 trực thăng, phá hủy đường băng, tiêu diệt và làm bị thương 42 tên lính. Tháng 8-1968, các tổ điệp báo tiếp tục tập kích sân bay Utapao, phá hủy 2 máy bay B-52, làm hỏng nặng 2 chiếc khác và đài chỉ huy bay khiến không quân Mỹ phải mất một tuần để khắc phục.

Ngày 17-12-1972, trinh sát kỹ thuật báo cáo: Bộ tư lệnh Thái Bình Dương dừng đi phép đối với tất cả phi công, phi công sẵn sàng chờ lệnh; ngày 18-12, trinh sát kỹ thuật tiếp tục báo cáo, Mỹ không chủ trương sử dụng lực lượng không quân trong hai ngày 16 và 17-12. Trên cơ sở đó ta nhận định: Đây là động thái báo hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. 15 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, trinh sát kỹ thuật báo cáo: B-52 đã cất cánh! Máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 cũng đã cơ động từ căn cứ Clark, dự kiến B-52 sẽ đánh vào miền Bắc. 16 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, trinh sát kỹ thuật thông báo hoạt động tiếp nhiên liệu trên không của các tốp B-52 đang ở khu vực Đông Nam Philippines. 17 giờ, tốp B-52 đầu tiên vào đến đảo Cồn Cỏ, bay ngoặt lên phía Bắc. Tiếp sau đó, lực lượng thu nhận đầy đủ và báo cáo kịp thời hoạt động của các tốp máy bay B-52 khi chúng đến cửa sông Hồng chuẩn bị tiếp cận mục tiêu.

Nhờ có được nguồn tin tổng hợp tình báo báo trước, nhất là tin của trinh sát kỹ thuật nắm cụ thể các đợt tập kích của B-52, quân và dân Hà Nội hoàn toàn không bất ngờ và đã bình tĩnh đánh trả, trong khi vẫn tiết kiệm đạn, bảo đảm công tác phòng không nhân dân, bảo đảm giao thông vận tải, không ngừng chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chiến công của tình báo quốc phòng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” có thể khái quát trong 3 nội dung sau:

Thứ nhất, lực lượng điệp báo chiến lược đã nắm rất sớm ý định của đế quốc Mỹ về việc ném bom miền Bắc nhằm mục đích gây sức ép với ta tại bàn đàm phán Paris hòng buộc ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Việc tình báo chiến lược của ta nắm được từ sớm âm mưu này giúp ta chuẩn bị lực lượng phòng không đủ sức đánh địch.

Thứ hai, khi trực tiếp vào chiến dịch, trinh sát kỹ thuật đã sớm chặn thu và nắm được sớm (từ 5 đến 9 giờ đồng hồ) những hành động của không quân Mỹ trong chuẩn bị, tổ chức đội hình máy bay B-52 để ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc, giúp lực lượng phòng không của chúng ta có được thế chủ động đón đánh B-52.

Thứ ba, từ các nguồn tin tình báo tổng hợp, kết hợp khai thác tù binh Mỹ, trong đó có phi công Mỹ, tình báo quốc phòng đã phối hợp cùng Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng và hoàn chỉnh cẩm nang đỏ về cách đánh B-52 ngay từ sớm, bảo đảm cho chúng ta có được chiến thuật và kỹ thuật chiến thắng được B-52, làm nên kỳ tích lịch sử "Điện Biên Phủ trên không’”.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét