Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

 


Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân là vấn đề có tính nguyên tắc. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin khi nhấn mạnh quan điểm: Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân; trong thành phần của Đảng, phải chú trọng kết nạp những công nhân đủ tiêu chuẩn, đồng thời thu hút cả những người thuộc các giai tầng khác vào Đảng khi những người này tán thành cương lĩnh của Đảng, tự nguyện tuân thủ Điều lệ Đảng, chứng tỏ trên thực tế bản thân mình có đủ tiêu chuẩn trở thành đảng viên của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững bản chất giai cấp công nhân có nghĩa là Đảng không hòa tan vào dân tộc mà là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong, đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Cho nên cơ sở xã hội của Đảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công - nông - trí, do giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với bản chất giai cấp công nhân như thế và với cơ sở xã hội thể hiện trong khối đại đoàn kết như vậy, Đảng ta đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong suốt quá trình hoạt động của mình. Đây chính là một trong những nét nổi bật nhất trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, trở thành một bài học quý trong xây dựng Đảng cần được phát huy trong giai đoạn cách mạng tới.

 Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng Cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, mang tính chiến đấu vì mục tiêu cao cả là giải phóng con người với xã hội tốt đẹp. Vì thế, cần kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trên những nguyên tắc sau:

Tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. C.Mác, Ph. Ăngghen, đặc biệt là V.I. Lênin đặt trọng tâm xây dựng Đảng Cộng sản vào nguyên tắc này. Hồ Chí Minh coi tập trung và dân chủ trong Đảng là một thể thống nhất và có liên quan mật thiết với nhau: tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ phải đi đến tập trung. Người nhấn mạnh, phải làm cho mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình ở trong Đảng, tức là khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực chủ động của tất cả đảng viên; khi đã thảo luận, bày tỏ ý kiến rồi thì đi đến tập trung, tức là đề cập ý chí thống nhất, hành động thống nhất, như thế mới có sức mạnh; và lúc ấy quyền tự do của đảng viên hóa ra quyền phục tùng chân lý, mà chân lý là những gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Để nhấn mạnh tính chất này, có hai điều cần tránh trong hoạt động của Đảng cầm quyền: độc đoán, chuyên quyền; dựa dẫm, không dám quyết đoán. Đảng cầm quyền phải dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ cao.

Tự phê bình và phê bình. Phải thường xuyên giáo dục cho toàn Đảng tinh thần tự phê bình và phê bình làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh theo đúng nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Mục tiêu tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người, trong mỗi tổ chức nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; muốn thế phải có phương pháp đúng đắn, phù hợp trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Có đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì mới có đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc. Đảng đoàn kết, thống nhất trên cơ sở có chung một mục tiêu thể hiện ở cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Đảng phải có kỷ luật, “kỷ luật sắt”, nghĩa là mọi đảng viên tuân thủ Điều lệ, chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết và các quy định của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên còn phải là công dân gương mẫu, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật trong điều kiện Đảng cầm quyềnNhư vậy, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với ý nghĩa Hiến pháp và pháp luật là quyền lực điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, thì trong Hiến pháp, pháp luật đó đã hàm chứa tinh thần nội dung của cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, do đó, là sự biểu đạt vai trò cầm quyền của Đảng. Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị đồng thời là người lãnh đạo hệ thống ấy, đặc biệt là lãnh đạo Nhà nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét