Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025

 VƯỢT NẮNG, THẮNG MƯA TRÊN CÔNG TRƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM

Bất luận thời tiết không thuận lợi trong những ngày cuối năm, song để đảm bảo về đích đúng tiến độ, thông xe toàn tuyến qua địa bàn Hà Tĩnh trước ngày 30/4/2025, các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã tăng cường “3 ca, 4 kíp”, vượt nắng, thắng mưa để thi công trên công trường đảm bảo hiệu suất cao nhất.

Hạng mục hầm đường bộ Đèo Bụt thuộc dự án thành phần cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình). Hầm được thiết kế xuyên núi Đèo Bụt, có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, với 2 ống hầm dài lần lượt là 716m và 840m, mỗi hầm rộng 15m, cao 8m. Cửa hầm phía Bắc thuộc địa phận xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh) và cửa hầm phía Nam là xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh).

Dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công. Từ tháng 7/2023, Tập đoàn Sơn Hải bắt đầu khoan mũi đầu tiên thi công hầm Đèo Bụt và đến ngày 19/5/2024, sau 10 tháng, Tập đoàn Sơn Hải đã khoan thông ống hầm phải dài 840m theo chiều di chuyển Bắc - Nam. Theo nhà thầu này, việc thi công hầm Đèo Bụt dù gặp không ít khó khăn, nhất là nền địa chất khá yếu, có đất đá xen kẹt rời rạc, lưu lượng mưa lớn, nước ngầm nhiều nhưng với việc xây dựng kế hoạch thi công hợp lý, khoa học nên tiến độ hạng mục trọng điểm này luôn được nhà thầu đảm bảo. Đến nay, sản lượng thi công hạng mục hầm Đèo Bụt đã đạt khoảng 75% giá trị hợp đồng.

Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, ngoài yếu tố thời tiết không thuận lợi khi vào giai đoạn này, mưa dầm dề liên miên thì việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh có những đặc thù, khó khăn về địa hình, địa chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến đường găng tiến độ của dự án. Đơn cử, núi Long Tương thuộc địa phận xã Quang Lộc, huyện Can Lộc nằm trong phạm vi thi công tuyến chính cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi có độ cao khoảng 40m. Thông thường, khi thi công qua địa hình đồi núi, các nhà thầu sử dụng mìn để phá các khối đất, đá lớn, nhưng do núi Long Tương nằm gần khu dân cư nên không thể sử dụng phương án nổ mìn, thay vào đó là dùng máy móc từng bước hạ độ cao ngọn đồi này. Phương pháp này vừa kéo dài thời gian, vừa phải tập trung nhiều nhân lực, máy móc thiết bị.

Tại tuyến chính dự án thành phần cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, quá trình thi công các nhà thầu cũng phải xẻ đôi nhiều ngọn núi cao, địa hình phức tạp, địa chất chủ yếu là đá, đơn cử như 2 ngọn đồi cao 50m thuộc địa phận xã Kỳ Phong và xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đảm nhận thi công. Các vị trí này có nền địa chất phức tạp, trong đó có nhiều khối đá lớn buộc quá trình thi công phải tập trung nhiều nhân lực, máy móc để hỗ trợ.

Song song với việc “xẻ núi, bạt đồi”, nhà thầu phải tiến hành giật cấp mái taluy dương, bơm vữa bê tông, tạo rãnh thoát nước để tránh sụt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình sau này. Cùng với đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua cũng gặp không ít khó khăn khi có nhiều đoạn, tuyến phải vắt qua các hồ, đập có trữ lượng nước lớn, buộc phải thiết kế các cầu cạn băng rừng, vượt hồ.

Vũng Áng - Bùng là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuyến cao tốc này dài 55,34km, trong đó đoạn qua Hà Tĩnh dài 12,9km và qua Quảng Bình dài 42,44km. Đây cũng là tuyến cao tốc có nhiều cầu vượt nhất với 33 cầu, trong đó 28 cầu trên đường cao tốc, 5 cầu đường ngang vượt cao tốc.

Cầu số 1 dài gần 1.000m với 22 trụ, trong đó trụ cao nhất lên đến 50m để nối 2 quả đồi, bắc qua một thung lũng có địa hình lòng chảo ở xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh. Ngoài ra, còn có các cầu cạn đoạn xuyên rừng nối với hầm Đèo Bụt thuộc đoạn tuyến Vũng Áng - Bùng, cầu cạn vượt hồ chứa nước Kim Sơn tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh... là những hạng mục khó, đòi hỏi nhà thầu phải tập trung nhân lực, máy móc để thi công. Đến nay, cầu cạn vượt hồ Kim Sơn đã hoàn thành, các công trình cầu cạn khác đạt trên 95% khối lượng thi công.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu cùng với chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn cuối cùng là di dời đường điện trong GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Theo đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh có 10 điểm giao chéo với 2 đường dây 220kV và 500kV thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ. Đến nay, việc di dời hệ thống lưới điện phân phối (cấp điện áp 110kV trở xuống) tại Hà Tĩnh đã hoàn thành, đảm bảo mặt bằng để các nhà thầu thi công thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, các địa phương có liên quan đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án di dời hệ thống điện truyền tải phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn. Những ngày qua, mặc dù thời tiết bất lợi, trời mưa, song nhà thầu thi công vẫn huy động hơn 100 công nhân thực hiện các hạng mục. Trên công trường, kỹ sư, công nhân “đội mưa”, “chạy đua” với thời gian để hoàn thành các hạng mục đảm bảo kỹ thuật, tiến độ.

Với những lỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu và chính quyền địa phương, đến nay trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh đã thi công đạt khối lượng khoảng 75%. Hiện, các nhà thầu đang tiến hành thảm nhựa mặt đường trên toàn tuyến, thời gian vừa qua tiến độ chững lại vì mưa dầm dề kéo dài. Thời gian này, tranh thủ thời tiết tạnh, ráo, các nhà thầu đang tập trung thi công hạng mục chủ yếu là làm móng nền đường và thảm mặt đường.

Trong đó, một số đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ so với dự kiến, tiêu biểu là Công ty TNHH Tự Lập đảm nhận thi công hơn 3,8km cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đến nay tiến độ đã đạt 92%, vượt gần 13% so với hợp đồng. Tuyến chính cao tốc gần như đã hoàn thành, hiện nhà thầu đang tập trung thi công đường gom, mương thoát nước, đường vuốt dân sinh và hệ thống an toàn giao thông. Theo kế hoạch của đơn vị, gói thầu sẽ hoàn thành vượt tiến độ 10 tháng. Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng đảm nhận thi công với chiều dài hơn 12km, giai đoạn này cũng đang huy động nhân lực, phương tiện triển khai nhiều mũi thi công phần đường và phần cầu, sản lượng dự kiến đến nay đạt 85%.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh là một trong những mục tiêu chính trong năm 2025, góp phần vào chỉ tiêu hoàn thành 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Qua đó, để sớm hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc. Riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các nhà thầu đều cam kết sẽ thông tuyến chính đúng dịp 30/4/2025 như đã hứa với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT và đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành hệ thống đường gom, đường kết nối./.

CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét