Học sinh, sinh viên (HS, SV) là nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục thế hệ trẻ, động viên, phát huy sức mạnh to lớn của HS, SV trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN) cho đất nước.
Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường; các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Trong đó, lực lượng HS, SV là mục tiêu quan trọng hàng đầu để các thế lực thù địch tác động, chuyển hóa về tư tưởng. Ngày 3-5-2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho HS, SV trong các nhà trường là nhiệm vụ cấp thiết, vì: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức Trung ương chưa toàn diện; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục QP-AN chưa sâu sắc. Đến nay, vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương chưa tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị.
Đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; nhiều cơ sở giáo dục chưa có hoặc còn thiếu giáo viên chuyên trách theo quy định; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn thiếu, chất lượng môn học giáo dục QP-AN ở một số trường trung học phổ thông (THPT), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng, đại học còn nhiều hạn chế. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) khẩn trương triển khai thực hiện Đề án Đào tạo giáo viên giáo dục QP-AN, để các trường THPT, TCCN, TCN có đủ giáo viên chuyên trách theo yêu cầu. Có chế độ, chính sách trong đào tạo, sử dụng sau đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN. Phối hợp Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc tăng cường sĩ quan biệt phái cho các Trung tâm giáo dục QP-AN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN tại các cơ sở này.
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật và từng bước triển khai có hiệu quả công tác giáo dục QP-AN trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, đã triển khai trình Chính phủ Đề án 472 và mới nhất là Đề án 607 về đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN. Đến nay, việc triển khai thực hiện Quyết định số 1911 của Chính phủ đã đi vào nền nếp (hiện có 1.368 chỉ tiêu đào tạo chính quy; 1.423 chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai, trong đó đã tốt nghiệp 378 giáo viên, giảng viên). Để công tác giáo dục QP-AN thực hiện nền nếp, hiệu quả, môn học đặc thù cơ bản cho HS, SV đã được "luật hóa", nhất là ngày 19-6-2013, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Theo đó, công tác giáo dục QP-AN trong hệ thống các nhà trường được lồng ghép ở bậc học tiểu học và trung học cơ sở, là môn học chính từ THPT đến bậc đại học.
Để tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và Quyết định 607, ngày 24-4-2014 của Chính phủ, các cấp, các nhà trường cần coi trọng việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN, gắn cơ chế chính sách phù hợp.
Bộ GD và ĐT đã có mã ngành cử nhân giáo dục QP-AN đáp ứng lộ trình đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN. Tăng cường sĩ quan biệt phái cho các sở GD và ĐT, các trung tâm giáo dục QP-AN, các trường đại học, cao đẳng còn thiếu. Tích cực chiêu sinh, cử tuyển đào tạo văn bằng hai; kết hợp tuyển sinh đào tạo cử nhân giáo dục QP-AN tại các cơ sở đào tạo được Chính phủ giao nhiệm vụ; thống nhất xây dựng cơ chế, chính sách đối với lực lượng này, bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn của học viên sĩ quan trong quá trình học (hiện Bộ Giáo dục và đào tạo đã phối hợp các bộ liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 15/2015, quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN). Các cấp học và trình độ đào tạo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chương trình, nội dung và mục tiêu đào tạo phù hợp từng đối tượng, bảo đảm tính liên thông, không trùng lặp, có sự phân cấp rõ ràng, phù hợp ngành nghề đào tạo của HS, SV. Giáo dục QP-AN là môn học trực tiếp chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, việc xây dựng chương trình phải phù hợp sự phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, tổ chức hiện đại hóa quân đội và công an trong tình hình mới. Bộ GD và ĐT chủ trì phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chương trình, nội dung tổ chức thực hiện chương trình giáo dục QP-AN cho người học từ THPT đến đại học.
Trong giảng dạy, đổi mới phương pháp, chú trọng đặc thù kỹ năng quân sự; giảm bớt thời gian dạy lý thuyết, tăng thời gian học thực hành kỹ năng quân sự; kết hợp tổ chức tham quan, thực tế tại đơn vị của binh chủng, quân chủng, bảo tàng lớn, phù hợp bài học, ngành học của HS, SV. Phương pháp giảng dạy tốt sẽ làm cho HS, SV đam mê học tập, tạo cơ sở để phát hiện, tuyển chọn, đào tạo nguồn cho lực lượng vũ trang. Sau khi học xong môn giáo dục QP-AN, HS, SV trưởng thành toàn diện, tự tin, có kỹ năng quân sự, an ninh, sẵn sàng nhập ngũ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Giáo dục QP-AN là môn học đặc thù, được Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh khẳng định là môn học chính từ THPT đến đại học; là môn học lồng ghép trong tiểu học và trung học cơ sở để giáo dục cho HS, SV phát huy lòng yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, tự tôn dân tộc, tự giác thực hiện nhiệm vụ này và bảo vệ Tổ quốc. Vì tầm quan trọng nêu trên, ngày 6-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 97, yêu cầu Bộ GD và ĐT chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất không thu học phí môn giáo dục QP-AN và tiền ăn trong quá trình học tập trung cho HS, SV. Đây là chủ trương đúng đắn cần được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Có thể khẳng định, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, là một trong những giải pháp chiến lược trong đổi mới giáo dục QP-AN, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét