Xây dựng
Quân đội hiện đại không thể không hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng. Sách trắng
Quốc phòng Việt Nam 2019 xác định: “Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp quốc
phòng sẽ có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Đây là chủ trương có tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta trong
tự chủ, hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực
thù địch xuyên tạc Việt Nam “cung ứng, xuất khẩu sản phẩm quốc phòng ra thế giới là
trái với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam”. Luận điệu này là
vô căn cứ, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn nên cần phải phản bác.
Các thế lực thù địch xuyên tạc nhằm chống phá mục đích phát triển
công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Đảng, Nhà
nước Việt Nam định hướng xây dựng, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng là chủ
trương đúng đắn có tầm nhìn chiến lược trong bối cảnh diễn biến phức tạp của
tình hình khu vực, thế giới đang đe dọa tiềm tàng đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những mục tiêu có tính đột phá trong phát triển công nghiệp quốc
phòng được công bố trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 là phấn đấu đến
năm 2030, các sản phẩm được sản xuất từ nền công nghiệp quốc phòng nội địa sẽ
tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu (tức là xuất khẩu sản phẩm quốc phòng).
Đây là mục tiêu có tính đột phá, đặt ra yêu cầu rất cao phải xây dựng được nền
công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự cường, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng bị các
thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo. Các đối tượng chống phá cho rằng, Việt Nam
tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu về sản phẩm công nghiệp quốc phòng là
“buôn bán vũ khí để kiếm lời, bán vũ khí là gián tiếp gây chiến tranh, xung
đột, bất ổn”, “nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng chẳng khác gì bản chất
của chủ nghĩa tư bản, trái ngược với bản chất của nền quốc phòng hòa bình, tự
vệ”. Đây là luận điệu không đúng sự thật, cố tình chống phá bản chất, mục đích
phát triển công
nghiệp quốc phòng Việt
Nam.
Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm quốc phòng
chỉ vì mục đích hòa bình, tự vệ
Cần khẳng
định rằng, Việt Nam tham gia cung ứng, xuất khẩu sản phẩm quốc phòng không trái
ngược với tính chất của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ Việt Nam đã công bố với
thế giới. Điều đó thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Một là, tính chất của nền quốc phòng Việt Nam là
hòa bình, tự vệ, do đó chủ trương tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu về
sản phẩm quốc phòng không nằm ngoài mục đích hòa bình, tự vệ. Việt Nam công bố
công khai với thế giới chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ với mục đích thực
hiện quyền tự vệ quốc gia chính đáng. Đây là định hướng căn bản, xuyên suốt
trong toàn bộ quá trình tổ chức, hoạt động quốc phòng từ xây dựng, hiện đại hóa
Quân đội đến xây dựng, hiện đại hóa các mặt, các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực
công nghiệp quốc phòng. Điều đó cũng có nghĩa là mục đích, tính chất của nền
quốc phòng Việt Nam chi phối xuyên suốt mục đích xây dựng, hiện đại hóa nền
công nghiệp quốc phòng. Theo đó, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam được xây
dựng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng để sản xuất các loại vũ khí, trang
bị hiện đại vừa phục vụ mục đích xây dựng Quân đội hiện đại, đủ sức tự chủ với
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng
giá trị toàn cầu để đóng góp xây dựng nền hòa bình thế giới dưới góc độ gia
tăng khả năng tự vệ chính đáng của các quốc gia đối tác.
Hai là, xuất khẩu sản phẩm quốc phòng luôn tuân
thủ công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam tham gia
xuất khẩu sản phẩm quốc phòng luôn tuân thủ các nguyên tắc theo công ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên. Việc tuân thủ các thỏa thuận hợp tác song phương,
đa phương trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên các điều ước quốc tế là nguyên tắc
bắt buộc để bảo đảm trật tự thế giới, tránh việc tùy tiện trong trao đổi, mua
bán vũ khí, trang bị quân sự vì mục đích chạy đua vũ trang, gây chiến tranh,
xung đột, kích động mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, đe dọa sự ổn định và hòa bình
thế giới.
Ba là, đối tác để Việt Nam có thể xuất khẩu sản
phẩm quốc phòng phải là quốc gia hợp pháp được quốc tế công nhận và là thành
viên của Liên hợp quốc có nhu cầu tự vệ chính đáng, phù hợp với chính sách quốc
phòng Việt Nam. Theo đó, nếu các đối tác là quốc gia hợp pháp nhưng mục đích sử
dụng vũ khí, trang bị được cung ứng từ Việt Nam không được cam kết rõ ràng;
hoặc các đối tác không phải là quốc gia hợp pháp được công nhận theo công ước
quốc tế; các tổ chức khủng bố; các tổ chức ly khai... không phải là đối tác để
Việt Nam cung ứng các sản phẩm quốc phòng. Chỉ các quốc gia hợp pháp được công
nhận theo công ước quốc tế, có cam kết sử dụng vũ khí, trang bị vì mục đích hòa
bình, tự vệ, mục đích sử dụng đó cũng không nhằm vào bất kể quốc gia thứ ba nào
mới là đối tác để Việt Nam cung ứng các sản phẩm quốc phòng theo thỏa thuận.
Bốn là, mục đích sử dụng sản phẩm quốc phòng sản
xuất từ Việt Nam là thực hiện quyền tự vệ quốc gia chính đáng. Đối tác mua vũ
khí, trang bị hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất của nền công nghiệp quốc
phòng Việt Nam phải được thẩm định chặt chẽ về tính pháp lý, nhu cầu, mục đích
sử dụng. Theo đó, vũ khí, trang bị là sản phẩm quốc phòng Việt Nam sẽ được xuất
khẩu cho đối tác sử dụng với mục đích thực hiện quyền tự vệ chính đáng khi bị
đe dọa, bị xâm phạm, bị tấn công xâm lược. Quốc gia đối tác với tư cách là
người sử dụng cuối cùng sản phẩm vũ khí, trang bị từ Việt Nam phải có các điều
khoản cam kết chặt chẽ, rõ ràng về mục đích sử dụng. Việc sử dụng chỉ với mục
đích duy nhất là tự vệ, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đối
tác mà không nhằm gây chiến tranh, xung đột với quốc gia khác, không nhằm vào
hoặc đe dọa bất kỳ quốc gia nào.
Năm là, chủng loại vũ khí, trang bị Việt Nam
xuất khẩu là các loại có khả năng phòng thủ. Cũng giống như chính sách mua sắm
vũ khí, trang bị trong nước, để phù hợp với khả năng hòa bình, tự vệ, Việt Nam
chỉ chủ trương mua các loại vũ khí, trang bị, phương tiện có tính năng phòng
thủ phù hợp để tự vệ trước các hình thái chiến tranh xâm lược. Việt Nam không
chủ trương mua sắm vũ khí tấn công chiến lược, không tham gia chạy đua vũ
trang, thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ trong mua sắm vũ khí,
trang bị. Việc tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm quốc phòng Việt Nam cho các
quốc gia đối tác cũng như vậy, sẽ cung ứng vũ khí, trang bị có tính năng phòng
thủ, bảo vệ.
Xây dựng công nghiệp quốc phòng Việt Nam có đủ
khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Trước
hết, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân
ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng
cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên cơ sở đó tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức làm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân nhận thức
rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc
phòng Việt Nam. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông về ý nghĩa phát
triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, sự cần thiết tham gia hội nhập quốc
tế trong lĩnh vực quốc phòng nói chung, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về sản
phẩm quốc phòng nói riêng để tạo sự yên tâm, tin tưởng, ủng hộ, hợp tác của
cộng đồng quốc tế, của các đối tác nước ngoài về chủ trương, chính sách quốc
phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam.
Vấn đề có
ý nghĩa then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên sâu
về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị, đồng thời có khả năng,
nghiệp vụ, trình độ pháp lý, ngoại ngữ để đàm phán, thẩm định đối tác trong
lĩnh vực mua bán, chuyển giao công nghệ, sản phẩm quốc phòng. Đó là cơ sở nền
tảng vững chắc để thực hiện đúng định hướng chính sách quốc phòng hòa bình, tự
vệ trong tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu về sản phẩm quốc phòng. Do vậy
cần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu về nghiên
cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác
đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia khoa học quân sự, chuyên gia pháp lý trong lĩnh
vực chuyển giao công nghệ vũ khí, trang bị với các đối tác nước ngoài, nhất là
các đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác có nền công nghiệp quốc phòng
tiên tiến, hiện đại.
Đẩy mạnh
ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong
sản xuất quốc phòng để nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng phù
hợp với từng đối tác, từng thị trường trong khuôn khổ các nội dung hợp tác quốc
tế. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi nền kinh tế số,
công nghiệp quốc phòng muốn đạt trình độ hiện đại, đủ sức tham gia chuỗi giá
trị toàn cầu thì không thể nằm ngoài xu thế đó. Việc thay đổi tư duy, cách tiếp
cận các dạng thức sản xuất, kinh doanh, thương mại trên nền tảng hạ tầng kinh
tế số là một tất yếu. Theo đó, nền công nghiệp quốc phòng phải từng bước cập
nhật, ứng dụng nhanh thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng tập trung, chuyên môn hóa,
đồng bộ hóa, kết nối hóa để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm vũ khí,
trang bị mới.
Trong
thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc,
chống phá vấn đề tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm công nghiệp quốc
phòng Việt Nam. Âm mưu của chúng là tìm cách gây nhiễu loạn thông tin, xuyên
tạc sự thật để gây áp lực ngăn cản Việt Nam tham gia thị trường thế giới. Do
đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; phát
huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu và các cơ
quan báo chí truyền thông để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá,
xuyên tạc của thế lực thù địch. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận
động nhân dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp
quốc phòng Việt Nam; đồng thời củng cố niềm tin của bạn bè quốc tế đối với
chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét