Với quan niệm "trần sao, âm vậy", các sản phẩm vàng mã được người dân săn đón như biệt phủ, máy bay, xe hơi, ngựa, thỏi vàng, điện thoại thông minh... để dâng thánh, "biếu tặng" tổ tiên. Mặc dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần khẳng định, việc đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật, nhưng nhiều người dân vẫn u mê cho rằng nếu không đốt vàng mã mọi sự không hanh thông. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện các hành vi “buôn thần bán thánh”, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Lãng phí vào niềm tin không có thật
Ảnh minh họa: TTXVN 

Những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chính quyền địa phương nơi quản lý di tích đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng tình trạng đốt vàng mã không giảm. Luật pháp Việt Nam hiện không cấm kinh doanh, buôn bán và đốt vàng mã mà chỉ xử phạt với mức khá thấp đối với những cá nhân đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Việc đốt vàng mã tràn lan không những là hành vi mê tín dị đoan, có nơi vì đốt vàng mã mà gây hỏa hoạn cháy nhà, chết người.

Đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, thanh thản của tâm hồn, để sám hối, tự gột rửa những lỗi lầm, hướng thiện, làm lành, lánh dữ, chứ không phải cầu xin tiền tài, danh lợi cho bản thân. Việc đốt vàng mã tràn lan là một sự lãng phí tiền bạc vào niềm tin không có thật, là hủ tục xa lạ với xã hội văn minh, do đó cần hạn chế, tiến tới loại bỏ hủ tục mê tín này.

HỮU TRƯỞNG

nguồn báo quân độ nhân dân