Phải khẳng định rằng 16% là tỷ lệ thấp và đằng sau con số 84% chưa thực hiện được là hàng triệu gia đình đang rất vất vả vì giấc mơ an cư chưa thành hiện thực.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi để phát triển NƠXH đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng bộ. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả lại chưa như kỳ vọng. Vì sao vậy, điểm nghẽn ở đâu?

Điểm nghẽn về nhà ở xã hội

Kết thúc năm 2024, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: VGP

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất nằm ở khâu triển khai thực hiện. Đó là một số chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư NƠXH như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi thuế; tiếp cận vốn vay ưu đãi... chưa thực sự được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, thủ tục hành chính còn không ít nhiêu khê, chồng chéo, kéo dài nhiều năm; việc hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra cũng chưa khoa học đã bào mòn nhiệt huyết cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp tham gia xây dựng NƠXH phải đề cao trách nhiệm xã hội nhưng không thể thiếu lợi nhuận. Việc bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp xét đến cùng là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thêm “mặn mà” với phân khúc NƠXH. Và để bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp thì quan trọng nhất là cần đột phá vào khâu thủ tục hành chính, xóa bỏ những vướng mắc về quy hoạch, đất đai..., giúp doanh nghiệp triển khai nhanh nhất dự án của mình.

PHƯƠNG HIỀN

nguồn báo quân đội nhân dân