Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

NHỮNG THÀNH TỰU VỀ NHÂN QUYỀN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM LÀ KHÁCH QUAN, ĐƯỢC QUỐC TẾ GHI NHẬN, ĐÁNH GIÁ CAO

Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến nay, việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước ta chú trọng và không ngừng bổ sung, phát triển qua các thời kỳ. Không chỉ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Đảng, Nhà nước ta còn chú trọng đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân quyền. Với sự cố gắng không ngừng, Việt Nam có quyền tự hào khi đạt được nhiều thành tựu quan trọng về công tác đối ngoại nhân quyền.

 Trong quá trình đổi mới đất nước, Việt Nam thường xuyên hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế. Các quyền dân sự, chính trị, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí, Internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện.  Năm 1977, nước ta gia nhập Liên hợp quốc, đây là dấu mốc quan trọng trong công tác đối ngoại nhân quyền, một mặt Việt Nam tranh thủ các nguồn lực có giá trị đối với công tác nhân quyền trong nước, mặt khác là cơ sở để Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho công tác nhân quyền thế giới. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao, đây là lần thứ 2 chúng ta trở thành thành viên của tổ chức này. Thực tế cho thấy, quốc gia trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền là điều không hề dễ dàng bởi bên cạnh việc quốc gia đó phải đạt những tiến bộ vượt bậc về bảo vệ quyền con người trong nước còn phải có đóng góp tích cực, hiệu quả thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu.

Việc Việt Nam đã hai lần trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng rõ nhất về thành tựu liên quan quyền con người ở nước ta. Đồng thời cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ những thành tựu nhân quyền trong nước mà những đóng góp của nước ta đối với công tác nhân quyền của Liên hợp quốc. Đây là minh chứng rõ nét nhất phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch. Vào ngày 3/4/2023, tại Geneva (Thụy Sỹ), Việt Nam soạn thảo và đề xuất với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Nghị quyết do Việt Nam khởi xướng đã tập hợp được 98 nước tham gia đồng bảo trợ.  Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người. Đồng thời, chúng ta phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việt Nam luôn chủ động trong công tác đối thoại nhân quyền. Tháng 6/2023, tại Maroc, đoàn đại biểu Quốc hội do ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Nghị viện về đối thoại tôn giáo do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức, quy tụ 163 quốc gia. Tham vấn tại hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đã thông tin cho bạn bè quốc tế biết về những nỗ lực, thành tựu trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; ghi nhận những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Ngày 27/7/2023, đoàn Việt Nam đã thăm chính thức Tòa thánh Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis. Trong chuyến thăm này, Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”. Đây là hình mẫu của sự tin tưởng lẫn nhau và là cơ sở để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hơn nữa giữa Việt Nam và các tổ chức, nhà nước tôn giáo. Đối với Hoa Kỳ, EU, Việt Nam luôn chủ động trong đối thoại nhân quyền, đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Hằng năm, nước ta đều chủ động cử các phái đoàn trao đổi, thảo luận về vấn đề nhân quyền để đi đến tháo gỡ những vướng mắc, thống nhất nhận thức chung, tôn trọng tính đặc thù về nhân quyền của các bên, thúc đẩy sự phát triển.

Việt Nam cũng tích cực tham gia duy trì hòa bình, cứu trợ nhân đạo. Từ năm 2014 đến nay, hằng năm Việt Nam đều cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng vũ tranh nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, ngày 9/2/2023, 100 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã sang Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia công tác cứu nạn vụ động đất, được Chính phủ và nhân dân nước bạn, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trở lại với phiên đối thoại ngày 7/5 vừa qua, Việt Nam tái khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, luôn xác định con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Các vấn đề được các nước quan tâm, Việt Nam đã trình bày, phúc đáp, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Trong chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, quá trình triển khai các khuyến nghị, Việt Nam đã tổ chức tham vấn rộng rãi với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức xã hội, các quốc gia thành viên, đối tác phát triển, và người dân. Hằng trăm các ý kiến, phản hồi đã được thu thập và được thể hiện rõ nét trong Báo cáo này. Đến nay có 239/241 khuyến nghị (tương đương 99,2%) đã được hoàn thành hoặc triển khai một phần. Cũng trong chu kỳ này đã có 45 luật và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người đã được thông qua hoặc sửa đổi, trong đó có một số luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống ma túy và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực. Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nêu rõ không có một mô hình chung cho tất cả các nước mà mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng. Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của mình trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét