Vậy cần làm gì để giữ vững bản sắc văn hóa trong dòng chảy toàn cầu hóa? PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: Trước hết, điều căn bản là xác định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Chúng ta cần hiểu sâu sắc về lịch sử, phong tục, tập quán, triết lý sống và những giá trị truyền thống đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là nền tảng không thể thay thế, là căn cốt của bản sắc dân tộc.
Sáng tạo không có nghĩa là thay đổi bản chất của văn hóa, mà là tìm kiếm những cách thức mới để biểu đạt và truyền tải những giá trị ấy. Việc biến văn hóa thành một "tài sản" không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát triển và quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Hội nhập với thế giới là điều tất yếu, nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết, để dân tộc ta luôn có một bản ngã riêng biệt, tự tin bước ra thế giới với một vị thế đáng tự hào.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Để văn hóa thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững, chúng ta cần hành động quyết liệt và đồng bộ trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và đầu tư. Về lý luận, trước tiên, chúng ta cần xây dựng một hệ thống lý luận về phát triển văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được tính bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển lý thuyết liên ngành là cực kỳ quan trọng. Văn hóa không thể tách rời với kinh tế, chính trị hay môi trường. Ngoài ra, làm tốt công tác phối hợp giữa văn hóa và các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ này cần được xử lý trên tinh thần kết nối và tương hỗ lẫn nhau. Điều này có thể nhìn từ cách thức phối hợp tổ chức, uy tín, thông điệp tích cực của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày. Văn hóa đã len lỏi vào mọi lĩnh vực, và ngược lại trong mọi lĩnh vực đều có yếu tố văn hóa.
Về đầu tư, văn hóa cần được đầu tư xứng tầm cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực văn hóa phải đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng con người mới cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bởi con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh. Văn hóa giúp tạo ra những công dân có trách nhiệm, có lòng yêu nước và ý thức tự hào về bản sắc dân tộc; sống có đạo đức, lòng nhân ái và ý thức cộng đồng.
Những giá trị này không chỉ tạo nên một cá nhân hoàn thiện mà còn góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, bền vững và mạnh mẽ. Trong kỷ nguyên mới, khi công nghệ và toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ, nền tảng văn hóa chính là yếu tố giúp con người giữ vững bản sắc, tránh bị cuốn theo những trào lưu hay ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Đây là cái gốc để chiến thắng trước văn hóa ngoại lai, lai căng, xâm lăng văn hóa.
Đặc biệt, cần nhìn văn hóa như một yếu tố chiến lược trong việc nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” để hội nhập một cách chủ động, tự tin đánh bại âm mưu, ý đồ của các thế lực muốn đồng hóa, xâm lăng văn hóa. Hành động quyết liệt từ sớm, từ xa, để đừng bao giờ "văn hóa bị lâm nguy" như lời cảnh tỉnh của đại văn hào Nga M.Gorki.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét