Những năm gần đây, chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực.
Với quan điểm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Bộ Chính trị đã tạo thống nhất trong nhận thức và hành động, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cả hệ thống thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình để xuyên tạc, phủ nhận chủ trương cũng như kết quả của công cuộc cải cách này.
Mặc dù chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy được Đảng và Nhà nước ta triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí nuôi bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân nhưng một số đối tượng chống đối vẫn tiếp tục xuyên tạc, bóp méo sự thật, lợi dụng sự thay đổi này để tung tin bịa đặt, thổi phồng khuyết điểm hòng đánh tráo mục tiêu, gây hoang mang dư luận. Các đối tượng bịa đặt rằng, việc tinh giản biên chế ở Việt Nam “chỉ là hình thức, mị dân”, không đem lại hiệu quả thực tế mà chỉ là gây tốn kém tiền bạc, ngân sách. Họ cho rằng, cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp.
Một số đối tượng bịa đặt rằng, việc sáp nhập các đơn vị, hợp nhất bộ máy chỉ nhằm mục đích chia ghế và “chạy chọt”, gây tốn kém ngân sách. Thậm chí, các thế lực thù địch xuyên tạc tinh giản biên chế là “đấu đá quyền lực, phe nhóm”, nhằm cắt giảm quyền lực của người này để tăng quyền lực cho người kia, là cách để “hạ bệ” hoặc “gia cố” quyền lực. Từ đó họ nguỵ biện rằng, Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Đây là những luận điệu vu cáo, cố tình bóp méo sự thật nhằm làm nhiễu thông tin, “tung hoả mù” gây hoang mang dư luận, tạo cớ chỉ trích, miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, nêu rõ: Qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Cải cách bộ máy hành chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan nhà nước, đồng thời giảm thiểu các chi phí hành chính không cần thiết. Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách bộ máy hành chính. Đặc biệt, việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối hành chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong vấn đề này. Đó là nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng… Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "Bộ trong bộ". Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Một trong những lý do chính để tiến hành cải cách bộ máy hành chính là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chi cho bộ máy hành chính chiếm khoảng 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Để giảm thiểu tình trạng lãng phí, việc tinh giản bộ máy đã và đang là một trong những giải pháp quan trọng, giúp tiết kiệm ngân sách và tái phân bổ các nguồn lực cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, việc tinh giản bộ máy còn là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và cải thiện công tác quản lý nhà nước. Một bộ máy hành chính tinh gọn và chuyên nghiệp sẽ giúp các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý các vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Cũng nhờ vào sự cải cách này, quy trình cung cấp dịch vụ công đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Nhà nước.
Rõ ràng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta, với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao. Cần thấy rằng, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, không đơn giản, không phải làm một sớm, một chiều, làm một lần là xong do liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó đòi hỏi sự chặt chẽ, khoa học, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất trong nhận thức và hành động. Để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi”.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét