Gần đây báo chí phản ánh tình trạng một số học sinh ở Quảng Nam mua búp bê Kumanthong về thờ cúng, mua bánh kẹo “cho ăn” để cầu may mắn và học giỏi. Đây là hoạt động mê tín dị đoan hết sức nguy hiểm, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, tạo hệ lụy xấu cho học sinh, gia đình và xã hội. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xung quanh vấn đề này.
Ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của học sinh
- Hiện tượng thờ cúng búp bê Kumanthong tại Việt Nam từng xảy ra cách đây nhiều năm và đã được cảnh báo cũng như xử lý. Thế nhưng gần đây nó xuất hiện trở lại, tại một số trường học. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng việc thờ cúng Kumanthong xuất hiện trở lại trong một số trường học là một vấn đề đáng báo động, cả về góc độ văn hóa lẫn tâm lý giáo dục. Đây không chỉ là sự lặp lại của một hiện tượng từng xảy ra, mà còn cho thấy những khoảng trống trong giáo dục và quản lý môi trường học đường.
Kumanthong, khi được du nhập từ Thái Lan vào Việt Nam, đã bị hiểu sai và biến tướng thành một hình thức mê tín dị đoan. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra sự bất ổn tâm lý ở lứa tuổi học sinh - vốn đang trong quá trình hình thành tư duy và giá trị sống.
Vì vậy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía nhà trường, phụ huynh và các cơ quan quản lý.
- Theo ông, việc học sinh thờ cúng Kumanthong có thể gây ra những hệ lụy gì?
- Dưới góc độ xã hội, trước hết, đây là một biểu hiện của mê tín dị đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của học sinh. Thay vì nỗ lực học tập, học sinh có thể lệ thuộc vào niềm tin siêu nhiên để đạt được thành công, điều này dễ tạo ra tâm lý lười biếng, thiếu tự chủ. Thêm vào đó, việc lan truyền các thực hành mê tín trong môi trường học đường có thể dẫn đến xung đột, bất hòa giữa học sinh và thậm chí cả phụ huynh.
Dưới góc độ văn hóa, sự du nhập và biến tướng của Kumanthong trong đời sống học đường là một tín hiệu đáng lo ngại về sự thiếu hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa bản địa. Học sinh, với nhận thức chưa đầy đủ, có thể vô tình cổ súy cho những hành vi đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời làm suy giảm sự tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc thờ cúng Kumanthong cũng có nguy cơ khuyến khích sự phổ biến của các hiện tượng văn hóa nước ngoài thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục và sự phát triển văn hóa lành mạnh.
Tôi cho rằng, cả ở góc độ xã hội lẫn văn hóa, hiện tượng này cần được xử lý một cách nghiêm túc và toàn diện. Chú trọng giáo dục học sinh về giá trị của tư duy khoa học, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, để giúp các em hiểu đúng về tín ngưỡng và tích cực gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc.
Cần chiến lược toàn diện và chặt chẽ
- Từ hiện tượng thờ cúng Kumanthong, để ngăn chặn sự xâm nhập tiêu cực của văn hóa nước ngoài, cần làm gì, thưa ông?
- Phải có một chiến lược toàn diện và chặt chẽ, từ giáo dục, tuyên truyền đến quản lý xã hội. Trước hết, tăng cường giáo dục văn hóa trong trường học. Nhà trường cần tích hợp sâu sắc các giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân tộc vào hoạt động giảng dạy, giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng những giá trị này. Cùng với đó, phát triển tư duy phản biện và khoa học sẽ giúp học sinh nhận diện, phân biệt được giữa văn hóa truyền thống và các yếu tố mê tín dị đoan từ bên ngoài. Đây sẽ là sức đề kháng cho học sinh trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái về những giá trị văn hóa đúng đắn, đồng thời cảnh giác với những yếu tố văn hóa nước ngoài có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con em mình. Tôi cho rằng, các chương trình hướng dẫn cho phụ huynh sẽ là một công cụ hữu ích trong việc xây dựng nhận thức văn hóa bền vững trong gia đình.
Công tác tuyên truyền cũng là một yếu tố không thể thiếu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần triển khai các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về tác hại của mê tín dị đoan và khuyến khích các hoạt động văn hóa lành mạnh. Các phương tiện truyền thông cần tích cực lan tỏa những thông điệp bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống và từ chối những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các hành vi thờ cúng Kumanthong hay các hình thức mê tín dị đoan khác trong cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường học đường. Việc xử lý kịp thời và công khai sẽ cảnh tỉnh xã hội, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc.
Cuối cùng, cần khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống, tạo ra môi trường văn hóa phong phú và lành mạnh, giúp học sinh và cộng đồng có nền tảng văn hóa vững chắc, để mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ và gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc.
- Hiện pháp luật Việt Nam đã có quy định điều chỉnh các hành vi như thờ cúng Kumanthong chưa, thưa ông?
- Theo pháp luật Việt Nam, hoạt động sản xuất, buôn bán hay thờ cúng búp bê Kumanthong có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định về mê tín dị đoan, an ninh trật tự, hay bảo vệ trẻ em, nhưng hiện chưa có văn bản pháp luật quy định chi tiết về xử lý các hành vi này như một tội danh hay hành vi phạm pháp riêng biệt. Trong khi đó, việc sản xuất, thờ cúng, và buôn bán búp bê Kumanthong có thể được xem là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ đạo đức xã hội và bảo vệ sức khỏe tâm lý của trẻ em nếu nó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ rằng, cần thiết có các quy định pháp lý rõ ràng về việc xử lý hành vi sản xuất và buôn bán các sản phẩm liên quan đến mê tín dị đoan, như búp bê Kumanthong. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong giám sát và kiểm soát các hoạt động này, từ đó bảo vệ sự phát triển tâm lý và văn hóa lành mạnh cho cộng đồng. Cũng cần lưu ý rằng, việc xây dựng pháp luật phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng cũng phải bảo đảm ngăn ngừa các hành vi có thể gây tác hại cho xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét