PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trong lịch sử phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế
giới, dù là nước lớn hay bé, phát triển hay đang phát triển, đều xây dựng cho mình
những chủ thuyết, bao gồm hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng mang tính
lý thuyết nhằm định hướng cho sự phát triển của quốc gia. Hệ thống tư tưởng
định hướng này được cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách, sách
lược, chiến lược… nhằm hiện thực hóa những mục tiêu phát triển của các quốc
gia, dân tộc trong thực tế. Chính nhờ được trang bị hệ thống lý luận khoa học,
con tàu cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vượt qua
muôn vàn khó khăn, thử thách, đi đến đài vinh quang, sánh vai cùng bạn bè trên
thế giới, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự
khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ
đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”[1].
Trong phạm vi hội thảo, tác giả tập trung phê phán các luận
điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận thành tựu xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận quan điểm có tính nguyên tắc “Quyền lực nhà
nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà
nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; bác bỏ quan
điểm của các thế lực thù địch về yêu cầu xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam theo học thuyết tam quyền phân lập:
Thứ nhất, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu, quan
điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận thành tựu xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Năm 1994, lần đầu tiên quan điểm, chủ trương xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định tại Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VII giữa nhiệm kỳ. Đây là quá trình mở đầu từ đúc
kết, kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Nhà nước pháp quyền
trong lịch sử tư tưởng nhân loại và quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật kiểu mới vào thực tiễn xây dựng Nhà nước
trong giai đoạn hiện nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Nhà nước ta là
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai
cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và
kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp,
tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và
không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phục vụ nhân dân,
gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn
trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ
chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng,
lãng phí, vô trách nhiệm, lạm dụng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân;
giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc
và của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập
trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự thống nhất của
Trung ương”[2].
Trong quá trình đổi mới và cải cách đó, chúng ta nhận rõ một
sự thăng hoa rõ rệt của nhận thức lý luận của Đảng ta trong vấn đề Nhà nước
pháp quyền. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đưa yêu cầu đó lên thành quy tắc hiến
định (Điều 2 Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 và nay tại Điều 2 Hiến pháp
năm 2013) thể hiện sự thừa nhận và sự kết hợp tính phổ biến của một giá trị
lịch sử nhân loại với những nét đặc trưng, những giá trị độc đáo của Nhà nước
pháp quyền ở Việt Nam. Đánh giá về thành tựu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII đã khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều
tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động có hiệu
lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và
tư pháp”[3]. Những thành tựu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở
nước ta đã được thực tiễn kiểm nghiệm, hoàn toàn bác bỏ những luận điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch cho rằng, nhà nước pháp quyền chỉ có thể thành
công ở mô hình tư bản chủ nghĩa, gắn với chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng
đối lập.
Thứ hai, bác bỏ luận điệu sai trái, phủ nhận vai trò của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là nguyên tắc Hiến định mang tính giai cấp
sâu sắc, nguyên tắc bảo đảm sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp cách mạng xã hội của nước ta là sự
nghiệp cách mạng của toàn dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng Cộng sản
Việt Nam là một bộ phận hợp thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhưng
đồng thời là lực lượng lãnh đạo hệ thống đó. Vì vậy, Nhà nước là một thành viên
trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa tất yếu phải do Đảng lãnh đạo, chỉ
đạo và tổ chức xây dựng. Mọi hoạt động của Nhà nước, cũng như việc tổ chức xây
dựng và phát huy vai trò hiệu lực của Nhà nước trong điều hành quản lý xã hội
đều phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, ngoài ra không
lực lượng nào có quyền nắm và lãnh đạo Nhà nước. Đây là vấn đề thuộc về bản
chất giai cấp công nhân của Nhà nước, đồng thời cũng là một nguyên tắc hiến
định, đã được ghi trong Hiến pháp năm 1992 và nay là Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện: Đảng đề ra đường lối, chủ
trương, chính sách, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách cụ thể và lãnh đạo tổ chức
nhân dân thực thi Hiến pháp, pháp luật, chính sách; lãnh đạo Nhà nước tổ chức
bộ máy tinh gọn, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; Đảng lãnh đạo Nhà
nước bằng công tác kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối của
Đảng và pháp luật của Nhà nước; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ
chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước làm tham mưu cho Đảng; phát
huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân
trong việc tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước và bảo
vệ Nhà nước.
Hiện nay, các thế lực thù địch đưa ra nhiều quan điểm, luận
điệu hòng bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội. Chúng
lên tiếng cho rằng, ở Việt Nam không có “pháp trị”, chỉ có “đảng trị”. Đây là
thủ đoạn nham hiểm của các lực lượng chống đối Đảng Cộng sản lãnh đạo các nước
xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu những năm 80 của thế kỷ trước, tiếc rằng
có một số người vẫn cổ xúy cho thủ đoạn trên, mà không biết những hậu quả khôn
lường đối với đất nước, đối với xã hội, đối với người dân khi vai trò lãnh đạo
của Đảng bị đặt ngoài Hiến pháp. Những người có lương tri trên thế giới không
thể không nhớ đến sự kiện Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã năm 1991, những người
dân chủ cấp tiến hả hê khi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản bị đặt ngoài Hiến
pháp, khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977 (sửa đổi, bổ sung năm 1988) bị phá
bỏ. Trên đất nước đó, sau những biến cố thăng trầm, chính Tổng thống Nga V.
Putin trong cuộc gặp các đảng phái chính trị của Nga tại Điện Kremlin ngày
23/9/2016 cho rằng,Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế
kỷ XX, sự kiện Liên Xô sụp đổ không chỉ là thảm họa địa chính trị lớn nhất
trong thế kỷ XX mà rất có thể là cả trong lịch sử chính trị thế giới, để lại
những hậu quả có tính toàn cầu về tư tưởng, văn hóa, chính trị, kinh tế – xã
hội và an ninh.
Những ai đó nếu còn phản bác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thiết tưởng cần nhớ Điều
6, Hiến pháp Liên Xô năm 1977 (sửa đổi, bổ sung năm 1988) quy định về vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị phá vỡ, để lại những hậu quả nặng nề
trong không gian hậu Xô viết cho đến ngày nay.
Thứ ba, tiếp tục khẳng định nguyên tắc “Quyền lực nhà nước
là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; không áp dụng học
thuyết tam quyền phân lập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước
Đặc trưng cơ bản, chung nhất của Nhà nước pháp quyền là
quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng trong từng nước khi giải quyết các vấn
đề tổ chức quyền lực của nhà nước cũng đều xuất phát từ đặc điểm thực tiễn
riêng của mỗi nhà nước khác nhau. Ở một số nhà nước trên thế giới, do xuất phát
từ thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử hình thành… có tổ chức nhà nước theo
nguyên tắc “tam quyền phân lập”, tức là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp,
tư pháp với những hình thức và mức độ khác nhau. Về bản chất, dưới khoa học
chính trị học, đây thực chất là sự phân chia quyền lực giữa các đảng phái. Tuy
vậy, trên thực tế cũng chưa có một nước tư bản nào thực hiện đúng nguyên tắc
tam quyền phân lập, mà đều áp dụng linh hoạt phù hợp với tình hình của từng
nước.
Ở nước ta, khi thảo luận vấn đề cải cách tổ chức và hoạt
động của Nhà nước cũng có ý kiến cho rằng cần phải xây dựng Nhà nước pháp quyền
trên cơ sở nguyên tắc tam quyền phân lập dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên,
Đại hội IX của Đảng đã dứt khoát khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất,
có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các
quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[4]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng
định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát
giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp”[5]. Như vậy, điểm khác nhau cơ bản trong tổ chức quyền lực của Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước tư sản, là: Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân
lập mà tổ chức quyền lực theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất”,
không thể “phân quyền” theo lối phân chia, cắt khúc, đối chọi lẫn nhau giữa các
quyền, mà chỉ có sự phân công trên cơ sở thống nhất và tập trung quyền lực cao
nhất ở Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Các quan điểm chủ đạo của Đảng ta về xây dựng mô hình Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gắn chặt với sắc thái truyền thống
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng với các giá trị dân chủ, nhân đạo, nhân văn,
nhân ái của nhân loại. Mô hình Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng phù
hợp với các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về việc vận dụng một cách sáng
tạo và có chọn lọc những kinh nghiệm khác nhau của các dân tộc về cách thức tổ
chức Nhà nước pháp quyền, ưu tiên những giá trị có tính phổ biến, kết hợp hài
hoà với các giá trị truyền thống, những đặc điểm phát triển và lịch sử phát
triển đất nước. Mọi yêu cầu, đòi hỏi hay đề nghị, kiến nghị Việt Nam phải “tam
quyền phân lập” chỉ là thủ đoạn, âm mưu phá hoại, biến đất nước thành nơi hoang
tàn, đổ nát.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói, không phải chỉ tổ chức bộ
máy nhà nước theo “tam quyền phân lập” mới kiểm soát được quyền lực nhà nước.
Quyền lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Việc
nắm giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để
thực hiện được những mục đích đã đề ra, mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích
nhất cho nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình nắm giữ, tổ chức và
thực hiện quyền lực nhà nước thường tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ khác nhau
như tham nhũng, lãng phí, lạm quyền… Vì vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà
nước là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong quản lý nhà nước trên thế giới
nói chung, ở nước ta nói riêng, đây cũng chính là ước vọng hàng nghìn năm của
nhân loại tiến bộ. Ở nước ta, thuật ngữ “kiểm soát” lần đầu tiên được hiện diện
trong văn kiện của Đảng và thể chế hóa quan điểm đó, tại Điều 2 Hiến pháp năm
2013 khẳng định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp,
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp”.
Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nguồn
gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “Tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân”. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta không cần phải
áp dụng cơ chế tam quyền phân lập, bởi các nhánh quyền lực của nhà nước ta
không phải “nhánh quyền lực của phe nhóm này chống lại phe nhóm kia, vốn là gốc
rễ của cơ chế tam quyền phân lập”.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo được
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định “là nhiệm vụ trọng
tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Chúng ta tin tưởng vào công cuộc xây dựng
và bảo vệ đất nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa do Đảng lãnh đạo – chính đảng được trang bị hệ thống lý luận sáng tạo của
chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết bác bỏ những luận điệu
xuyên tạc phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
phủ nhận nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất đã được ghi nhận trong
Hiến pháp năm 2013, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước ta.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC
Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.85-86.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.71.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.131-132.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.85.
HOA ĐẸP MIỀN ĐÔNG
Gửi tin nhắn
3232
2 bình luận
5 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia
sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét