Trong thời gian qua, Quốc hội đã làm tốt nhiệm vụ thể chế hóa
đường lối, chủ trương của Đảng thành luật và nghị quyết của Quốc hội. Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nội dung thẩm tra bắt buộc về sự
phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng
đoàn Quốc hội đã phát huy vai trò tích cực, chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ
đạo đối với các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Các chủ
trương, chính sách lớn, phức tạp đều được kịp thời báo cáo xin ý kiến Bộ Chính
trị, Ban Bí thư để có phương án giải quyết phù hợp, hiệu quả. Đảng đoàn Quốc
hội luôn thực hiện nghiêm túc việc xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư những định hướng lớn về nội dung các hoạt động của Quốc
hội, những vấn đề chủ yếu của một số dự án luật, pháp lệnh quan trọng, có tác
động và ảnh hưởng đến tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội
và đời sống nhân dân.
Quốc hội kịp thời phản ánh với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về xây dựng đất nước nhằm
góp phần vào việc định hướng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Nhiệm
kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội đã có nhiều đổi mới
trong việc xin ý kiến Bộ Chính trị. Các nội dung báo cáo xin ý kiến được phân
thành nhóm vấn đề, để vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của
Đảng, vừa phát huy dân chủ trong thảo luận của Quốc hội, bao gồm vấn đề
cần xin ý kiến chỉ đạo cụ thể, vấn đề báo cáo để Bộ Chính trị nắm thông tin và
xin được trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Kế thừa những kết quả trong thời gian qua, trong giai đoạn tiếp
theo cần đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo bằng các chủ trương, đường lối,
chính sách, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, phát triển đường
lối chính trị để giúp Đảng lãnh đạo Nhà nước toàn diện, trong đó có lãnh đạo
Quốc hội. Với vai trò của mình, Quốc hội có nhiệm vụ thực hiện đường lối chính
trị được tuyên ngôn trong Cương lĩnh và những chủ trương lớn của Đảng. Đường
lối chính trị được xác định cụ thể trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng và cụ thể
hóa tại các hội nghị Trung ương bằng các nghị quyết chuyên đề xác định các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chính sách xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng thảo luận
về các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng - an
ninh, ban hành kịp thời nghị quyết; trong đó, xác định rõ các mục tiêu, gợi ý
giải pháp và công cụ chính sách phù hợp để Nhà nước thực hiện. Một mặt,
Quốc hội là một thành tố trong hệ thống chính trị, có nhiệm vụ thực hiện các
mục tiêu chính sách này; mặt khác, là cơ quan thực hiện quyền lập
pháp và giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và Nghị quyết của Quốc
hội.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội bằng các
chủ trương, đường lối, chính sách bảo đảm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh
bạch, có sức cạnh tranh quốc tế theo yêu cầu, định hướng của Chiến lược
xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến năm
2030 và định hướng đến năm 2045. Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn liền với
việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các mục tiêu chính sách trong
các lĩnh vực, ngành trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đã
được hoạch định.
Đổi mới phương thức lãnh đạo bằng các chủ trương, đường lối, chính
sách bảo đảm Đảng không làm thay Nhà nước, trong đó có Quốc hội, trong việc tổ
chức thực hiện chính sách trên tất cả các mặt, các lĩnh vực đời sống xã hội;
đồng thời, trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách lớn, Đảng lãnh đạo Nhà
nước, trong đó có Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các chính sách cụ thể và thực
hiện chính sách, đánh giá chính sách qua các chức năng của Quốc hội, như ban
hành các nghị quyết, chương trình pháp luật, quyết định những vấn đề quan
trọng, giám sát tối cao... Các mục tiêu chính sách cần được đo lường cụ thể
bằng các chỉ số, các tiêu chí định lượng để thuận lợi cho việc thực hiện, giám
sát đánh giá.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Quốc hội thực hiện chính
sách bằng chương trình pháp luật (thông qua các luật) và chương trình giám sát,
thực hiện chính sách thông qua các quyết định quan trọng; trong đó, quá trình
thực hiện ngân sách Quốc hội cũng là việc thực hiện các chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, từ việc phân bổ ngân sách, quyết toán ngân sách. Do đó,
đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, qua các hoạt động của
Quốc hội đều gắn với việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách mà
Đảng với tư cách là thành tố cốt lõi lãnh đạo hệ thống chính trị đã hoạch định
và xây dựng. Như vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng gắn liền với đổi mới hoạt động của Quốc hội, tạo thành xung
lực lớn thúc đẩy quản trị quốc gia hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền
vững.
Thời gian qua, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, như
giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, phòng, chống tham
nhũng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tự chủ và xã hội hóa cung ứng dịch vụ
công, giáo dục - y tế, phòng, chống đại dịch COVID-19,... đều gắn với chương
trình pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng, như quyết định ngân
sách, quyết định đầu tư công phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
đối với Quốc hội, đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu
nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ ban hành luật và hoàn thiện hệ thống pháp
luật, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.
Thứ ba, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn liền trách nhiệm
kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính
sách. Nhà nước, trong đó có Quốc hội, thực hiện các chủ trương, đường lối,
chính sách thông qua chương trình pháp luật, thông qua các luật, bảo đảm hiệu
lực các luật và hệ thống pháp luật, sự tuân thủ pháp luật thông qua hoạt động
giám sát, căn cứ vào các mục tiêu chính sách của từng lĩnh vực, từng ngành với
các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng Đảng kiểm tra,
giám sát kết quả thực hiện các chính sách, tác động chính sách (sau thực hiện),
thông qua sơ kết, tổng kết các nghị quyết được ban hành vào giữa nhiệm kỳ hoặc
kết thúc nhiệm kỳ của Nhà nước, Quốc hội, để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát
đánh giá kết quả thực hiện, tác động của các chủ trương, chính sách một cách
đầy đủ nhất.
Thứ tư, nâng cao chất lượng
hoạch định chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội và các cơ quan của
Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
bao gồm tăng cường chất lượng phân tích chính sách, tham vấn chính sách, bảo
đảm các mục tiêu chính sách phù hợp, đồng thuận đối với Nhà nước, nhất là Quốc
hội với cộng đồng xã hội. Mấu chốt của việc đổi mới ở đây là, trên cơ sở đường
lối chính trị thể hiện trong Cương lĩnh, các nghị quyết được ban hành “đúng” và
“trúng”, nhất là các nghị quyết chuyên đề, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống
chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội tổ chức thực hiện.
Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để tạo sự chủ động,
sáng tạo trong hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động lập pháp đối với một
số chủ trương, đường lối, chính sách mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị
quyết định khung để Quốc hội thảo luận, quyết định cụ thể trong phạm vi chủ
trương của Đảng; đồng thời, giúp Bộ Chính trị kịp thời điều chỉnh các nội dung
chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề quan trọng, mà qua thảo luận tại Quốc hội còn
có ý kiến khác nhau. Với từng nhiệm kỳ Quốc hội, Đảng có định hướng chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét