Năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị ở một loạt quốc gia, ảnh hưởng sâu sắc đến bối cảnh chính trị và kinh tế, tác động mạnh mẽ tới các trục quan hệ và cục diện địa - chính trị quốc tế.
Khép lại năm 2024...
Nổi bật nhất trong năm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ với tương lai của nước Mỹ mà còn với phần còn lại của thế giới. Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau chiến thắng được đánh giá là thuyết phục, vẫn kiên định chủ trương “Nước Mỹ trước hết”. Với chiến thắng này, lần thứ hai ông D.Trump nhận được danh hiệu “Nhân vật của năm” theo bình chọn của tạp chí Time, vốn được trao cho cá nhân hoặc nhóm có ảnh hưởng lớn nhất đến các vấn đề toàn cầu, dù ảnh hưởng đó tích cực hay tiêu cực.
Châu Âu với hàng loạt cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, từ an ninh, chính trị, kinh tế cho tới các vấn đề về văn hóa, xã hội. Trong bức tranh ảm đạm này, sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng cực hữu trên khắp châu Âu càng làm nổi bật thêm những khó khăn và mâu thuẫn nội tại của “lục địa già”. Các khoản viện trợ cho Ukraine cũng là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ và bất ổn nội bộ của nhiều nước châu Âu.
Trung Đông tiếp tục là điểm nóng xung đột của thế giới với cuộc chiến dai dẳng tại Dải Gaza, giao tranh diễn biến ác liệt tại Lebanon, lần đầu tiên Israel và Iran công khai tấn công trực tiếp lẫn nhau, chiến sự bất ngờ bùng phát trở lại ở Syria kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Về mặt kỹ thuật, cuộc xung đột đã lan rộng ra khu vực, khiến “chảo dầu” Trung Đông càng sôi sục.
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của trí tuệ nhân tạo (AI), khi công nghệ này trở thành cuộc cách mạng toàn diện, mở ra chương mới đầy triển vọng - và cả thách thức - cho nhân loại về đạo đức và pháp lý. Những bài học từ năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng để định hướng sự phát triển AI theo cách trách nhiệm, công bằng và bền vững, mang lại lợi ích thực sự cho toàn nhân loại trong tương lai.
Năm 2024 cũng đã chứng kiến những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu trên toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo Christian Aid, trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu chính trên toàn cầu đã vượt qua con số 230 tỷ USD.
Bức tranh năng lượng tái tạo thế giới tiếp tục ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Ngoài năng lượng tái tạo, điện hạt nhân cũng nổi lên là lựa chọn tối ưu tại nhiều quốc gia với ưu điểm ít phát thải carbon và khả năng cung ứng liên tục. Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức 416 triệu kW.
Về tổng thể, kinh tế thế giới năm 2024 đã thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng và cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan về ngắn hạn.
...Và hướng đến năm 2025
Về chính trị, sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào ngày 20-1-2025 được dự báo sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc không chỉ trong chính đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của “xứ cờ hoa” mà còn đối với các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Việc ông Donald Trump tái khẳng định khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” cùng với phương châm “Nước Mỹ trước tiên” và sẵn sàng rút khỏi các khuôn khổ đa phương có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với người dân Mỹ và thế giới.
Mặc dù vẫn chưa rõ các biện pháp thực sự sẽ được thực hiện, nền kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ phải đối mặt nguy cơ gia tăng bất ổn về chính sách kinh tế trong giai đoạn vốn đã và đang có đà tăng trưởng vừa phải hiện nay. Các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW - Đức) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức vừa phải trong năm 2025. IfW kỳ vọng mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 3,1%, IMF dự báo khoảng 3,2%, trong khi WB đưa ra con số 3,3% so với mức tương ứng 3,5% trước đại dịch Covid-19. Thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu khởi sắc trong năm nay nhưng có khả năng sẽ chậm lại đáng kể do các biện pháp thương mại hạn chế dự kiến áp đặt trong năm tới.
Ngành năng lượng thế giới vừa trải qua một năm 2024 ít sóng gió, bất chấp các cuộc xung đột vũ trang và cạnh tranh địa chính trị vẫn đang căng thẳng. Thị trường năng lượng toàn cầu năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những chuyển dịch lớn trong chính sách năng lượng và đầu tư của các nước trong năm mới sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cân bằng các mục tiêu về an ninh năng lượng và môi trường.
Về chống biến đổi khí hậu, năm 2025 được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá. Mặc dù một số nhà khoa học dự báo tổng lượng phát thải CO2 từ hoạt động đốt than, dầu và khí đốt trên toàn thế giới có thể đạt đỉnh trong vài năm tới nhưng một số ý kiến lạc quan cho rằng các nước không thể “khoanh tay đứng nhìn” thêm nữa và sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp giảm phát thải một cách mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon mà mỗi nước đặt ra. Ngoài ra, trong bối cảnh bùng phát nhiều bệnh lạ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tin tưởng các quốc gia có thể hoàn tất một thỏa thuận về ứng phó đại dịch vào tháng 5-2025, dù còn những nghi ngại về việc liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có ủng hộ thỏa thuận này hay không./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét