Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM NĂM 2024: TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG GÓP PHẦN TẠO ĐÀ ĐƯA ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai sôi động, nâng tầm quan hệ đối ngoại của đất nước. Bám sát đường lối đối ngoại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại trong năm 2024 đã được triển khai một cách bài bản và rộng khắp với nhiều đối tác và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng.
Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, nâng cấp quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp lên Ðối tác chiến lược với Brazil và thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện với Mông Cổ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nâng tổng số đối tác ta có khuôn khổ quan hệ lên 32 đối tác và ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Lãnh đạo chủ chốt ta đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương lớn; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.
Những chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đạt được nhiều kết quả có tầm quan trọng chiến lược và lâu dài, nhất là việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở được củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, nâng cấp quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp lên Ðối tác chiến lược với Brazil và thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện với Mông Cổ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nâng tổng số đối tác ta có khuôn khổ quan hệ lên 32 đối tác và ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ðiều này một mặt thể hiện sự năng động, chủ động của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, mặt khác cho thấy sự coi trọng của các nước đối với giá trị, vai trò địa chiến lược của Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam ngày càng khẳng định năng lực, vai trò và trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế. Trên các diễn đàn quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (AIPA), Phong trào Không liên kết, Pháp ngữ, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực.
Lần đầu chúng ta tổ chức thành công Diễn đàn tương lai ASEAN, thiết lập cơ chế trao đổi, thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong định hình tương lai của ASEAN sau năm 2025, tầm nhìn đến 2045.
Việc Ðại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng và chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Lễ ký Công ước đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung, khẳng định Việt Nam là đối tác tích cực, tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tại các tổ chức mà Việt Nam đang đảm nhiệm các trọng trách như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và 6 trong số 7 cơ chế điều hành quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam đã thể hiện năng lực đóng góp của mình, đưa ra nhiều sáng kiến được ủng hộ rộng rãi. Ðồng thời sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, an ninh mạng… ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy, đối ngoại đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên" bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Trước những biến động lớn trên thế giới, chúng ta đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác, duy trì đường biên giới trên bộ hòa bình, ổn định và hợp tác, đạt được tiến triển trong đàm phán với các nước, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ðồng thời, chúng ta nêu cao chủ trương và thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế… Các cơ quan đối ngoại đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ chỉ đạo xử lý hiệu quả nhiều vấn đề trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế.
Xác định rõ vai trò trung tâm của nền ngoại giao trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Các động lực tăng trưởng truyền thống về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động được làm mới, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn, nhất là với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt truyền thống ở Ðông Bắc Á, châu Mỹ, mở lối đột phá vào thị trường Trung Ðông, châu Phi…
Với cách làm mới, chúng ta đã khai thác hiệu quả 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, tháo gỡ các rào cản thị trường, qua đó góp phần phục hồi xuất khẩu, đưa kim ngạch thương mại dự kiến đạt con số kỷ lục gần 800 tỷ USD; đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư, đưa Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn trên thế giới; khai thác hiệu quả lợi ích của các cam kết, thỏa thuận quốc tế; thúc đẩy các thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); tìm kiếm, mở ra thị trường mới như sản phẩm Halal cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ðồng thời, ngoại giao kinh tế cũng thúc đẩy các động lực mới, nhất là ngoại giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác bán dẫn… với các đối tác chủ chốt, các tập đoàn lớn, qua đó kết nối, tranh thủ các đối tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Thu hút đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ mới, nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, thiết kế chip, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo đột phá, thực hiện mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và 2045.
Cùng với đó, thế và lực của đất nước được nâng cao từ sự cộng hưởng hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Ngoại giao đã góp phần vận động thành công UNESCO ghi danh thêm 6 danh hiệu/di sản, nâng tổng số danh hiệu UNESCO lên 71, là một nguồn lực mới cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững ở các địa phương.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt chính sách chăm lo của Ðảng và Nhà nước với gần 6 triệu đồng bào, huy động nguồn lực cho phát triển với hàng nghìn dự án đầu tư và hàng chục tỷ USD kiều hối. Bảo hộ công dân tích cực bảo vệ an ninh, an toàn, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là tại các vùng chiến sự, thiên tai, mất ổn định, sơ tán hàng nghìn công dân về nước. Thông tin đối ngoại quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu đổi mới của đất nước ra thế giới.
Việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, nhất là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 18 Khóa XII của Ðảng được triển khai quyết liệt, cùng với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Phương thức, lề lối làm việc không ngừng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa trong năm 2024 gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và những quyết sách sáng suốt, kịp thời của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thành công này cũng là kết tinh nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp tích cực của các lực lượng làm công tác đối ngoại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét