Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Phòng, chống âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc luôn đóng một vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Song với dã tâm chống phá đất nước ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc... các tổ chức, hội nhóm phản động đã không ngừng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề dân tộc.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, thống kê sơ bộ cho thấy có trên 160 tổ chức, hội nhóm người H’Mông, tiêu biểu trong số đó là tổ chức “Phát triển quốc gia H’Mông”, “Mặt trận giải phóng thống nhất người H’Mông”…Không chỉ kêu gọi, kích động từ bên ngoài, các đối tượng phản động còn cử người trà trộn vào cộng đồng người dân tộc thiểu số, trực tiếp chỉ đạo, điều hành các vụ tấn công, khủng bố, âm mưu lật đổ chính quyền khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Thực chất mục đích của các tổ chức này là tập hợp phe phái, xây dựng lực lượng, vận động, kêu gọi người chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gấy mất đoàn kết dân tộc, làm giảm uy tín của Đảng trước Nhân dân, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan chức năng, sự cảnh giác, hợp tác của người dân, những năm qua các hoạt động chống phá lợi dụng chính sách dân tộc để chống phá chế độ đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm và ngày càng khởi sắc.

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước đã cho thấy với sự gắn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái của các dân tộc anh em, cho nên dù ở thời kỳ nào, đứng trước bất cứ thử thách khó khăn nào thì cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng là một khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách. Trong Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), nhấn mạnh: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Đồng thời, tại Điều 5 của Hiến pháp chỉ rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…”.

          Không chỉ được quy định trong Hiến pháp, nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc liên quan đến thành phần dân tộc đã được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia tạo sự thống nhất, đồng bộ. Số liệu thống kê cho thấy, cùng với Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc; có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc; Ủy ban Dân tộc chủ trì, chỉ đạo 25 chính sách; các bộ, ngành khác chủ trì, chỉ đạo 111 chính sách.

          Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc luôn đóng một vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Song với dã tâm chống phá đất nước ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triệt để sử dụng kế sách “bẻ từng chiếc đũa”, đó là chia rẽ người Kinh với đồng bào người dân tộc thiểu số, nhen lên tư tưởng “bài Kinh” trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, với mong muốn làm cho đất nước bị suy yếu từ bên trong, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo ý đồ của chúng.

          Chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội cần làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, nâng cao chất lượng sống về mọi mặt cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên lắng nghe, kịp thời phát hiện những vấn đề khúc mắc để tìm cách tháo gỡ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với đồng bào bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả. Đối với người dân, cần tin tưởng vào đường lối của Đảng, cảnh giác để không bị lôi kéo vào các hoạt động bất hợp pháp, làm tổn hại đến khối đoàn kết dân tộc và sự phát triển ổn định của xã hội.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét