Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “không thể chậm trễ hơn được nữa”
Các thành tố của hệ thống chính trị Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do vậy, trong giai đoạn đầu, tổ chức bộ máy mang những đặc điểm của hệ thống chính trị trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, mang đậm nét của bộ máy “chuyên chính vô sản”. Trong thời kỳ đổi mới, hệ thống chính trị được đổi mới xây dựng gắn liền với sự vận động, phát triển của đất nước: “Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(21). Tuy nhiên sau gần 40 năm đổi mới, “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế”(22).
Sự nghiệp đổi mới mang lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như hiện nay. Đó là nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) và 100 thành lập nước (trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao). Một trong bảy định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ là tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Nhận thấy tầm quan trọng của xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Đảng ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học - công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển”(23).
Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng”, dẫn đến cản trở, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước(24). Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”(25); càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, không thể chậm trễ hơn được nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét