Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Những giải pháp từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Những giải pháp từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng và thực tiễn lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những chỉ dẫn quan trọng, có giá trị nền tảng định hướng cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bao gồm: 

Một là, nêu cao và phát huy sức mạnh của đạo đức cách mạng, giải quyết tốt vấn đề lợi ích.

Trước sự khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(26). Cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó” bởi liên quan đến lợi ích của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chỉ dẫn rất quan trọng: Gốc rễ của bộ máy kềnh càng, biên chế phình to là chủ nghĩa cá nhân - “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết... chỉ muốn “mọi người vì mình”(27). Trở lực chính của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay cũng là chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ triệt tiêu “điểm nghẽn” chính của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”(28). Vận dụng chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phẩm chất đạo đức dĩ công vi thượng: “tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”(29)

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhất định phải gắn liền với quá trình tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích riêng của từng bộ phận, cá nhân với tinh thần khẩn trương “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy nhiên, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xóa bỏ lợi ích cá nhân chính đáng. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có thể bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo tinh thần minh bạch, khách quan, kịp thời.

Hai là, huy động và tổ chức tốt lực lượng thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy”(30); do vậy, xây dựng tổ chức bộ máy là việc chung của tất cả. Hồ Chí Minh yêu cầu “các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”(31). Sức mạnh tổng hợp của hệ thống là yếu tố quyết định đến thực hiện chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị “gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”.

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay phải bảo đảm sự tham gia thực hiện của toàn hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần triệt để chấp hành, chỉ bàn làm, không bàn lùi; khẩn trương thực hiện, không trông chờ. Huy động được sức mạnh của toàn hệ thống, tổ chức phát động cao điểm thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các địa phương, giữa Trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra yêu cầu: “đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này... Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ”(32).

Dựa vào nhân dân để tiến hành cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các quan báo chí, truyền thông, phải đẩy mạnh tuyên truyền rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Hiện nay, đông đảo nhân dân đang ủng hộ, hưởng ứng chủ trương của Đảng, tạo nên động lực tinh thần to lớn cổ vũ thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần quan tâm chăm lo và phát huy vai trò của gia đình cán bộ, công chức chịu ảnh hưởng của công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy, sớm ổn định cuộc sống.  

Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới với kế thừa, ổn định và phát triển, giữa sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.

Cách mạng luôn là quá trình không ngừng đổi mới phát triển trên nền tảng kế thừa các giá trị đã được xác lập. Từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng bộ máy tinh gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa, nghĩa là giữa những cái đã có với cái mới. Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một cuộc cách mạng, do vậy phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa. Tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu cao là quyết liệt, mạnh mẽ phải gắn liền với thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, vì vậy cần chú trọng: Chỉ kết thúc hoạt động, điều chuyển, sắp xếp những vị trí chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, các tầng nấc trung gian; các vị trí đang phù hợp và phát huy tốt thì giữ và nâng chất; chỉ thành lập mới các cơ quan, đơn vị khi thật sự cần thiết; gắn chặt chẽ giữa sắp xếp bộ máy với tinh giản biên chế; thực hiện phương châm sắp xếp bộ máy trước, điều chỉnh biên chế gắn với sắp xếp. Tinh giản biên chế theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giảm số lượng nhưng tăng năng suất. Thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ để “giản” đúng đối tượng, từ đó giúp “giản” nhưng bộ máy phải tinh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ loại trừ người có năng lực để giữ người kém dẫn đến biên chế bộ máy gọn nhưng không tinh. Ban chỉ đạo ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước các yếu kém, sai phạm, tiêu cực trong thực hiện tinh gọn bộ máy.

Bốn là, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn liền với hoàn thiện thể chế hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến sự phân công và phối hợp như là nền tảng hình thành bộ máy, là điều kiện để xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn. Việc tiến hành cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải gắn liền với hoàn thiện thể chế tương ứng. Phát huy trí tuệ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để sớm xây dựng được khung thể chế mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Rà soát lại toàn bộ các quy định hiện có để ban hành mới, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với mô hình sắp xếp mới. “Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện”(33).

Thời cơ vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không chỉ phải chủ động, quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, mà còn phải chắc chắn và hiệu quả. Càng đứng trước “vấn đề khó, thậm chí rất khó” càng phải thấm nhuần những bài học sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét