Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Gần đây, trên trang mạng Vietnamthoibao có bài viết của tác giả Phạm Đình Trọng với tựa đề: “Lại hăm hở sắp xếp lại bộ máy nhà nước”. Bài viết đưa ra luận điểm đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cổ súy Việt Nam nên đi theo mô hình “Tam quyền phân lập” kiểu phương Tây. Thực chất, đây là luận điệu xuyên tạc tuy không mới, nhưng mang đầy những lời lẽ kích động, hằn thù, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, bởi những lý do sau:

Một là, điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã khẳng định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thực tiễn lịch sử hơn 94 năm ra đời và phát triển của Đảng đã chứng minh rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền duy nhất đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách; đánh đuổi các thế lực xâm lược đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng đã đem lại nền độc lập, hòa bình tự do cho dân tộc ta, nhân dân ta; từng bước đưa cách mạng Việt Nam đi lên con đường xã hội chủ nghĩa. Giành độc lập dân tộc nay tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đưa Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu đó của Đảng lkhông bao giờ thay đổi, Đảng đại diện trung thành lợi ích toàn dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Nhân dân ta đã thừa nhận và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được ghi trong Hiến pháp đã khẳng định: Đảng thực hiện sự lãnh đạo xã hội qua chủ trương, đường lối được luật hóa. Nguyên tắc này còn bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, phòng, chống mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất (có thể xảy ra) trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta.
Hai là, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp luật thông qua trình tự lập pháp, hành pháp, tư pháp, qua đó thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013). Trong Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước ta nghiên cứu, tiếp thu một cách có chọn lọc trong kỹ thuật tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc phân công và phối hợp giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo đó, quyền lập pháp được giao cho Quốc hội, quyền hành pháp giao cho Chính phủ, quyền tư pháp giao cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, cốt yếu của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Các cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân) là cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Bộ máy Nhà nước ta được vận hành như vậy là đúng với bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Khi quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thì về nguyên tắc, quyền lực nhà nước không thể phân chia cho cá nhân hay tổ chức nào khác; các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền… Điều này khác xa với cái gọi là “Tam quyền phân lập” trong bài viết: “Lại hăm hở sắp xếp lại bộ máy nhà nước”của Phạm Đình Trọng là sự thể hiện tư tưởng phân quyền, về bản chất là đối lập với tư tưởng thống nhất quyền lực, phủ nhận sự phân chia quyền lực về mặt chính trị - xã hội, phủ nhận chân lý: Quyền lực của Nhà nước được bắt nguồn từ nhân dân.
Từ lý luận và thực tiễn có thể khẳng định: Điều 4 trong Hiến pháp của Nhà nước ta về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo Nhà nước Việt Nam là điều tối thượng. Được Hiếp pháp và pháp luật Nhà nước ta bảo vệ. Đây là vấn đề không thể xuyên tạc và phủ nhận. Còn cái gọi là “Tam quyền phân lập” như Phạm Đình Trọng đã nêu ra trong bài viết “Lại hăm hở sắp xếp lại bộ máy nhà nước” thực chất chỉ là sự tiếp nối của việc kích động, chống phá đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, cổ súy cho bất ổn chính trị, xung đột quyền lực, cần phải đấu tranh, bác bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét