Để góp phần bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững trận địa tư tưởng vô sản; xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới, cần phải thực hiện tốt một số nội dung và biện pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong toàn xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta. Sự nghiệp đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trước hết và trên hết là do Đảng ta nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta.
Nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết cần tập trung: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng trong các văn kiện Đại hội XII và các nghị quyết Trung ương khóa XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; thống nhất chương trình, nội dung học tập cho các đối tượng trong toàn xã hội; chống làm theo kiểu phong trào, hình thức, phô trương. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ, phát triển và làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội ta. Giáo dục sâu rộng chủ nghĩa yêu nước XHCN, lý tưởng cách mạng; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra sự “miễn dịch”, tăng cường “sức đề kháng” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước các đòn tiến công về chính trị tư tưởng của các thế lực thù địch và sự xâm nhập của tư tưởng tư sản.
Hai là, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, văn hóa. Đấu tranh TTVH là đòn trực diện tấn công vào các quan điểm phản động, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chính, như: Chủ động tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận sâu rộng, củng cố nhận thức, quan điểm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, làm thất bại các quan điểm, tư tưởng chống đối từ nhiều phía. Tăng cường tính chủ động, tinh thần đấu tranh chống các luận điệu chống phá nước ta dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, cần có kế hoạch ngăn chặn ý đồ của các thế lực thù địch trong việc tác động, từng bước làm chuyển hóa tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta theo quan điểm tư tưởng tư sản phương Tây. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng; vô hiệu hóa các luận điệu, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ thành công trận địa tư tưởng, quan điểm của Đảng trong quá trình đổi mới. Củng cố, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào con đường đi lên CNXH trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, bảo đảm định hướng chính trị trong các sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng. Các sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng phải hướng vào phục vụ, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng con người Việt Nam mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chống mọi biểu hiện “thương mại hóa”, “phi chính trị” trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác thông tin, báo chí, xuất bản, VHVN; kịp thời ngăn chặn những quan điểm lệch lạc, thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích, lộ bí mật quốc gia, gây rối nội bộ. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chính trị các hoạt động văn hóa, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ “giá trị” văn hóa tư sản; bảo vệ và phát triển nền văn hóa truyền thống, cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét