Ngày 1-1-2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, với nhiều điểm mới đáng chú ý trong xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Đây là bước triển khai thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Tuy nhiên, những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc Nghị định 168...
“Đánh lận con đen” - thuộc tính bản chất của kẻ chống phá
Nghị định 168 đi vào cuộc sống mới chỉ thời gian ngắn, nhưng
đã cho thấy tính hiệu quả trong quản lý giao thông, đánh dấu bước tiến lớn về ý
thức chấp hành Luật TTATGT đường bộ của người dân. Dư luận trong nước, các
chuyên gia và nhân dân cả nước đã thể hiện sự ủng hộ, đồng tình cao với những kết
quả bước đầu đạt được khi chỉ sau gần 3 tuần thực hiện, các hành vi vi phạm Luật
TTATGT đường bộ vốn khá phổ biến, như vi phạm nồng độ cồn, đi trên vỉa hè, vượt
đèn đỏ, hay không đội mũ bảo hiểm giảm rõ rệt.
Ấy thế nhưng, như một “thuộc tính bản chất”, với chiêu trò
“đánh lận con đen”, bằng những mánh khóe gian giảo, xảo quyệt, những kẻ chống
phá Đảng, Nhà nước ra sức xuyên tạc, phủ nhận Nghị định 168. Những ngày qua,
trên một số trang mạng xã hội đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc,
cho rằng Nghị định 168 sẽ "không mang lại hiệu quả", thậm chí gây
thêm bất ổn trong lĩnh vực giao thông; việc tăng cường xử phạt theo Nghị định
168 sẽ “làm trầm trọng thêm” tình trạng ùn tắc, đặc biệt tại các đô thị lớn;
quy định trừ điểm giấy phép lái xe là “không cần thiết và gây khó khăn” cho người
tham gia giao thông.
Chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” còn thể hiện ở chỗ, họ
bóp méo và cắt xén thông tin, đặc biệt là những quy định pháp luật, khiến người
dân hiểu sai vấn đề; như xuyên tạc về việc xử phạt các hành vi sang đường không
đúng quy định; phương tiện vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên... chúng
quy kết, cho rằng mức xử phạt quá nặng khiến người dân sợ hãi, dẫn đến tình trạng
ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho người lao động và thiệt hại cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, các tổ chức phản động ở nước ngoài, một số hãng truyền thông thiếu
thiện chí và các phần tử cơ hội đóng vai “chuyên gia” còn lu loa rằng, Nghị định
168 được ban hành “thiếu cơ sở pháp lý”!
Thực chất, đây là những quan điểm sai trái, thù địch của các
thế lực chống phá, hòng bóp méo, xuyên tạc tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất
cũng như mục đích, ý nghĩa và giá trị của Nghị định 168 trong quản lý TTATGT;
gây nhiễu loạn thông tin tiến tới kích động, lôi kéo người dân thực hiện cái gọi
là “bất tuân dân sự”. Đây là thủ đoạn vô cùng nguy hiểm, cần được nhận diện, vạch
trần và đấu tranh loại bỏ.
Không thể phủ nhận giá trị pháp lý và hiệu quả của nghị định
Một là, Nghị định 168 được ban hành đúng trình tự, thủ tục,
quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, Nghị định 168 được ban hành theo đúng quy
trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật, các văn bản được ban hành theo trình tự rút gọn có thể có hiệu lực
ngay từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Nghị định 168 cũng được xây dựng và
ban hành theo quy trình này, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về TTATGT. Đại diện Cục
Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, quá trình soạn thảo Nghị định 168 đã
được cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan. Dự thảo
nghị định được thảo luận kỹ lưỡng, đăng tải công khai, lấy ý kiến đóng góp rộng
rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng thông
tin điện tử Chính phủ, bảo đảm tính minh bạch và đồng thuận xã hội.
Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế xử phạt nghiêm khắc và trừ điểm
giấy phép lái xe đã được nghiên cứu và tham khảo từ các quốc gia có hệ thống
giao thông tiên tiến, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. Cơ chế này không chỉ
giúp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông mà còn giảm áp lực lên hệ thống
xử phạt hiện hành, tạo sự răn đe cần thiết đối với các hành vi vi phạm.
Hai là, Nghị định 168 ra đời là đòi hỏi bức thiết của thực
tiễn quản lý TTATGT ở Việt Nam hiện nay
Cách đây tròn 5 năm, khi Chính phủ ban hành Nghị định số
100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP với nhiều điểm nổi bật trong
xử lý vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt rất nghiêm khắc, đã
cho thấy hiệu quả tích cực. Trong 8 tháng năm 2020 cả nước ghi nhận 9.170 vụ
tai nạn giao thông, khiến 4.342 người tử vong và 6.727 người bị thương. So với
cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giảm 2.161 vụ (19,1%), số người chết giảm 754
người (14,8%) và số người bị thương giảm 1.860 người (21,7%). Đây được xem là
tín hiệu tích cực, phản ánh hiệu quả các giải pháp tăng cường ATGT, cùng với ý
thức chấp hành luật giao thông của người dân được cải thiện.
Tại Phiên họp thứ 42 (tháng 2-2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá hiệu quả của Nghị định 100:
Mặc dù mức xử phạt rất nặng đối với các hành vi vi phạm quy định giao thông, nhất
là vi phạm nồng độ cồn, song người dân rất ủng hộ. Khi ấy, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Tâm lý người dân sẽ không muốn ảnh hưởng đến thu
nhập và việc tốt nhất là không vi phạm. Việc quy định như vậy là phù hợp, đáp ứng
được yêu cầu thực tiễn, nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm hành
chính.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Nghị định 100 cho thấy, mức
phạt đã đủ sức răn đe nhưng vẫn có hàng nghìn trường hợp vi phạm, đó là vấn đề
về ý thức. Nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức được nguy cơ mất an
toàn giao thông đối với bản thân, cộng đồng và những hệ lụy cho chính gia đình
họ. Thực tế này đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm bảo đảm
TTATGT.
Ba là, những kết quả bước đầu đạt được là minh chứng thuyết
phục tính đúng đắn, kịp thời của Nghị định 168.
Một trong những mục tiêu cơ bản trong bảo đảm TTATGT mà Đại
hội XIII của Đảng đề ra là “phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu
chí”(1) (số vụ vi phạm; số người chết và số người bị thương). Nghị định 168 là
bước tiến quan trọng trong việc nỗ lực cải thiện ATGT tại Việt Nam, hiện thực
hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng. Với các biện pháp xử phạt mạnh mẽ, cơ chế
trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe, nghị định đã minh chứng tính hiệu
quả trong việc giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và
cải thiện tình hình giao thông nói chung.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, sau 15 ngày thực hiện
Nghị định 168, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về 3 tiêu chí so với
cùng kỳ và thời gian liền kề trước đó. Cụ thể, toàn quốc đã xảy ra 681 vụ TNGT,
làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ, giảm 355 vụ (34,3%),
giảm 47 người chết (11,4%), giảm 426 người bị thương (34,2%). Còn so với thời
gian trước liền kề (nửa cuối tháng 12-2024), giảm 347 vụ (34,5%), giảm 94 người
chết (20,5%), giảm 301 người bị thương (39,9%). Những kết quả bước đầu là minh
chứng rõ ràng cho tính đúng đắn và cần thiết của nghị định, khẳng định cam kết
của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh
và bền vững.
Bốn là, việc chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao
thông nói chung, Nghị định 168 nói riêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người
dân, là dấu hiệu phản ánh sự văn minh trong xã hội thượng tôn pháp luật.
Thực tế quá trình phát triển, bất kỳ quốc gia văn minh nào
muốn đạt được sự phát triển bền vững đều phải dựa trên nền tảng của một xã hội
có kỷ cương. Một xã hội không thể chấp nhận sự hỗn loạn nơi "mạnh ai nấy
đi, mạnh ai nấy chen" chỉ vì lợi ích cá nhân, tạo nên một hình ảnh giao
thông xấu xí. Đây không chỉ là vấn đề hành vi mà còn ảnh hưởng đến diện mạo văn
hóa quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
Phải thừa nhận rằng, thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc
giao thông xảy ra thường xuyên hơn do cơ sở hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn
vẫn còn nhiều hạn chế, từ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu đến lỗi kỹ thuật cục
bộ. Tuy nhiên, điều này không thể trở thành lý do để biện minh cho việc vi phạm
pháp luật giao thông. Thực tế, đây là diễn biến quen thuộc vào cuối năm khi nhu
cầu đi lại, mua sắm tăng cao. Nhìn lại giai đoạn giáp Tết năm trước, khi Nghị định
168 chưa được áp dụng, vấn đề cũng tương tự.
Sự thay đổi trong ý thức chấp hành luật giao thông sau khi
Nghị định 168 có hiệu lực cho thấy, khi luật pháp nghiêm minh và thực thi đồng
bộ có thể cải thiện rõ rệt hành vi của người dân. Mức độ răn đe đủ lớn giúp mỗi
cá nhân nhận thức rõ việc tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ chính mình mà còn
góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh; góp phần xây dựng văn hóa giao
thông, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét