Một là, kiên định nguyên tắc xây dựng Quân đội vững
mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng, làm cơ sở nâng cao chất lượng
tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.
Đây là vấn đề cơ bản, nguyên tắc bất di, bất dịch quyết định bản
chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Quân đội;
bảo đảm trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội luôn tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng,
sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Việc xây dựng Quân đội phải toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực
quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và trong mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng
chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất, công tác. Trong đó, phải đặc biệt
quan tâm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, vì: “Quân sự mà không có
chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Do đó, xây dựng Quân đội
tinh, gọn, mạnh, hiện đại phải bảo đảm tinh gọn về tổ chức, nâng cao chất lượng
về mọi mặt, phải thường xuyên coi trọng giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Chăm lo xây dựng Đảng bộ
Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức,
tổ chức và cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên
trong toàn quân.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ,
xác định động cơ, ý chí, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tốt
các phong trào thi đua, các cuộc vận động và xây dựng môi trường văn hóa quân
sự thời kỳ mới tiến bộ, lành mạnh, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận
trong toàn quân. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tập trung
vào kiểm tra những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoàn thành nhiệm vụ thấp..., góp phần giữ
nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Làm tốt công tác bảo vệ an ninh, chủ động đấu tranh
làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, ngăn ngừa, đẩy
lùi các hành vi tiêu cực, tư tưởng xấu, độc, làm trong sạch nội bộ Quân đội.
Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác dân vận với những mô hình, cách làm sáng
tạo, thiết thực, góp phần làm tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thắt chặt mối
quan hệ đoàn kết quân - dân. Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác
đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ.
Hai là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực
chất lượng cao; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục và
đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Đây là một trong những đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định,
bảo đảm để Quân đội tiến lên hiện đại. Việc xây dựng nguồn nhân lực cần chú
trọng cả về số lượng và chất lượng. Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ nghiên
cứu khoa học quân sự, các chuyên gia đầu ngành, giảng viên ở các học viện, nhà
trường, cán bộ các viện nghiên cứu trong Quân đội. Quan tâm phát triển đội ngũ
cán bộ quân sự, chính trị chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ
thuật có trình độ, năng lực chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Có chính
sách phù hợp để thu hút, phát triển và trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với đó, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện
- đào tạo ở các nhà trường trong Quân đội; tạo nguồn cán bộ các cấp có đủ phẩm
chất cách mạng, tư duy, năng lực chuyên môn, trình độ chỉ huy, quản lý,... theo
chức trách. Xây dựng nhà trường, viện nghiên cứu tinh, gọn, mạnh, hiện đại; gắn
đào tạo cán bộ ở nhà trường với đào tạo, bồi dưỡng ở đơn vị; gắn nhà trường với
chiến trường; gắn lý luận với thực tiễn theo phương châm “Chất lượng đào tạo
của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; kế thừa nghệ thuật
quân sự độc đáo của ông cha ta trong đánh giặc giữ nước và tinh hoa nghệ thuật
quân sự thế giới; gắn trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy với kết quả huấn
luyện của đơn vị. Việc tổ chức huấn luyện phải chặt chẽ, linh hoạt, đúng quan
điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn,
nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị khí tài mới, hiện đại,
sức cơ động và khả năng tác chiến trong điều kiện mới cho các đối tượng. Tích
cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, các phương tiện kỹ thuật
hiện đại trong huấn luyện bộ đội và quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục,
đào tạo.
Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả đột phá về tổ chức và trang
bị.
Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, góp phần tạo nên
sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội. Để giải quyết tốt vấn đề này,
trước hết, cần tập trung quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm, có
hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về tổ chức
Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”,...
Từng cấp chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể, phương pháp tiến hành chặt chẽ,
khoa học, với lộ trình, bước đi phù hợp, điều chỉnh tăng, giảm tổ chức, quân số
của từng khối phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân,
khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị, giữ vững và phát huy truyền thống của Quân
đội, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Xây dựng, điều chỉnh tổ chức quân đội theo
hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần
lực lượng; giảm đầu mối trung gian và đơn vị bảo đảm, phục vụ; tổ chức một số
đơn vị dự bị chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng lực
lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp,
bảo đảm Quân đội có đủ khả năng làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tiếp tục đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện
đại; cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí hiện có, nâng cao tính năng kỹ, chiến
thuật của các loại vũ khí, trang bị. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học,
phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ
thuật, tạo bước đột phá trong khai thác, làm chủ vũ khí công nghệ cao, từng
bước sản xuất vật tư kỹ thuật và vũ khí, trang bị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Quân đội. Tăng cường
mở rộng hợp tác quốc tế và ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư vào công tác quản lý, khai thác, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ
khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao.
Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ
thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, tạo sự lan tỏa sâu
rộng trong toàn quân.
Bốn là, tăng cường xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo
chuyển biến toàn diện, vững chắc về chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật
của Nhà nước.
Việc thực hiện chính quy hóa Quân đội là nhằm bảo đảm sự thống
nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong mọi hoạt động, công tác của bộ đội
và các đơn vị trong toàn quân. Trong đó, xây dựng nền nếp chính quy và duy
trì kỷ luật là hai yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng tổng hợp và sức mạnh
chiến đấu của Quân đội ta. Đây là một nội dung rộng lớn, gồm nhiều vấn đề, liên
quan tới mọi quân nhân, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt các
nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng
Tham mưu và các văn bản có liên quan về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật,
cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn chỉ huy, quản lý bộ
đội để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Nội dung xây dựng chính quy phải
toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu;
nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quản lý con
người và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Kết hợp chặt chẽ xây dựng chính quy với
chấp hành kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước; hạn chế tối đa các vụ
vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện.
Coi trọng, làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí
quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chức trách, nhiệm
vụ, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, điều lệnh, điều lệ,
quy định của Quân đội, đơn vị; gắn giáo dục chính trị, pháp luật với các biện
pháp hành chính và xử lý liên đới trách nhiệm của cán bộ. Từng cơ quan, đơn vị
thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình, kết quả xây dựng chính quy, chấp hành
pháp luật, kỷ luật, kịp thời rút kinh nghiệm để có chủ trương, giải pháp lãnh
đạo, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả; duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt,
học tập, công tác, quản lý tốt các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Chú trọng
bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm
chất, năng lực chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội.
Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ,
đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực
hiện chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý tư tưởng bộ đội; kịp thời phát hiện,
xử lý nghiêm minh, dứt điểm các sai phạm ngay từ cơ sở, không để sai phạm nhỏ
tích tụ thành sai phạm lớn. Gắn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực,
tiêu biểu” với xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo đời
sống vật chất và tinh thần của bộ đội. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa
quân sự tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; chủ động đấu tranh phòng, chống các tác
động tiêu cực và văn hóa xấu, độc. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ hậu cần và
các mặt công tác khác, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,
xây dựng đơn vị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội.
Năm là, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ
tiên tiến, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia đáp ứng yêu
cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, Đại hội
XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng...
hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần
quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số
08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến
năm 2030 và những năm tiếp theo”. Theo đó, thời gian tới, cần tiếp tục xây
dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại
và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đạt trình độ khoa
học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt
động phù hợp; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và sự tham gia tích cực, hiệu
quả của các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự,
quốc phòng của đất nước. Phát triển công nghiệp quốc phòng gắn với công nghiệp
quốc gia và có cơ cấu hợp lý trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia, ưu tiên
hướng tới những công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu
cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát
triển công nghiệp quốc phòng dài hạn, trung hạn, phù hợp với điều kiện mới. Ưu
tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp cơ bản, có tính lưỡng dụng cao.
Đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở công nghiệp quốc phòng có công nghệ
tiên tiến, làm nòng cốt xây dựng các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng
lưỡng dụng, công nghệ cao, có nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất và bảo đảm vũ khí,
trang bị kỹ thuật quân sự. Trước mắt, tập trung xây dựng và phát triển công
nghiệp quốc phòng với quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp, phát huy vai
trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Kiện toàn tổ chức
ngành kỹ thuật theo hướng “tinh, gọn, mạnh, thống nhất”, phù hợp với tính năng
công nghệ của vũ khí, trang bị kỹ thuật và nhiệm vụ của từng cấp; bảo đảm công
tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo thông suốt, không chồng chéo. Đổi mới phương thức
bảo đảm kỹ thuật đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao
theo hướng tập trung, thống nhất; đổi mới tư duy sản xuất vật tư kỹ thuật theo
hướng mở rộng liên doanh, liên kết, xã hội hóa,...
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại
quốc phòng.
Đối ngoại quốc phòng là bộ phận quan trọng của ba trụ cột: đối
ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, nhằm quán triệt, cụ thể
hóa đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định để thực
hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình, phù
hợp với luật pháp quốc tế. Thông qua công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại
quốc phòng, cần tiếp tục xây dựng lòng tin, nâng cao vị thế, uy tín của Quân
đội trên trường quốc tế; đồng thời, tận dụng, huy động các nguồn lực từ bên
ngoài, cập nhật, thích ứng và chuẩn hóa các tiêu chuẩn quốc tế về con người, tổ
chức, biên chế, huấn luyện, đào tạo và vũ khí, trang bị, đặc biệt là công tác
chỉ huy, hiệp đồng, tác chiến trong môi trường hoạt động khắc nghiệt để phục vụ
sự nghiệp hiện đại hóa, xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ
quốc trong tình hình mới.
Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối
đối ngoại của Đảng, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng phải được
tiến hành tích cực, chủ động, không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, tập
trung tham mưu, đề xuất giải quyết quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối tác,
thực hiện mục tiêu chiến lược và đáp ứng lợi ích quốc gia - dân tộc. Thúc đẩy
hợp tác quốc phòng song phương, đa phương đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định,
hiệu quả; ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước ASEAN, bạn
bè truyền thống, bảo đảm cân bằng giữa các nước lớn. Mở rộng quan hệ hợp tác
với các nước có tiềm năng; giải quyết tốt các mối quan hệ hợp tác quốc phòng,
góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy chiều sâu quan hệ, gia tăng
đan xen lợi ích chiến lược với các nước,... Tích cực tham gia lực lượng gìn giữ
hòa bình của Liên hợp quốc ở các nội dung và địa bàn phù hợp, góp phần nâng cao
vị thế, uy tín của Quân đội trên trường quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký
kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế, bản ghi nhớ với các đối tác về hợp tác
quốc phòng, kỹ thuật quân sự. Xây dựng, triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế
và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tạo môi trường
thuận lợi để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét